Kinh tế

Xã miền núi ở Nghệ An khởi sắc nhờ xuất khẩu lao động

Phạm Tâm 16/04/2024 - 07:39

Nhờ có lao động đi làm việc ở nước ngoài mà nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) thoát nghèo.

Đổi thay nhờ “xuất ngoại”

Bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ thuộc huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào người Khơ Mú. Do điều kiện địa hình nhiều đồi núi cao, giao thông chia cắt, thiếu tư liệu sản xuất nên đời sống, kinh tế người dân còn gặp nhiều khó khăn.

nghe-an-xa-mien-nui-khoi-sac-nho-lao-dong-xuat-khau-2-842.jpg
Gia đình ông Lữ Văn Kèo có kinh tế khấm khá, nhà cửa khang trang nhờ có con đi lao động ở nước ngoài.

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ, chính sách cho vay vốn của Nhà nước, nhiều người dân ở bản Bình Sơn 2 đã lựa chọn đi lao động ở nước ngoài. Nhờ có công việc ổn định, mức lương cao, nhiều hộ tích góp được tiền làm nhà, bản làng cũng trở nên trù phú, giàu có hơn.

Trong căn nhà sàn 3 gian kiên cố, nền lát gạch hoa sạch sẽ, rất đông bà con dân bản đến thăm hỏi và chúc mừng anh Cụt Văn Phách (trú tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ) vừa hết hạn hợp đồng lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) trở về.

Anh Phách cho biết, trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, hàng năm chỉ trông chờ vào một mùa nương rẫy, nên cuộc sống của gia đình anh cứ mãi quẩn quanh với nghèo khó. Năm 2022, người đàn ông này mạnh dạn đăng ký vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đi xuất khẩu lao động.

Hơn 2 năm làm việc ở nước ngoài, hàng tháng anh Phách gửi về cho gia đình đều đặn hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, anh Phách còn tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng để làm vốn làm ăn. Đối với địa bàn miền núi khó khăn như huyện Kỳ Sơn thì đây là một số tiền rất lớn.

Cũng giống như anh Phách, gia đình ông Lữ Văn Kèo (trú tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ) nhà đông con, lại không có việc làm ổn định, trước đây 7 nhân khẩu phải sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, lụp xụp.

Cách đây 2 năm, ông Kèo vay vốn cho con trai đầu của gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Đến nay, con trai đã gửi về cho gia đình hơn 200 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà ông Kèo đã dựng được ngôi nhà sàn kiên cố và tích góp được vốn làm ăn.

“Ngày trước nhà tôi nghèo lắm, nhưng từ khi con trai đi xuất khẩu lao động gửi tiền về gia đình đã làm được nhà sàn để ở rồi. Giờ không còn nghèo khó như trước nữa”, ông Kèo chia sẻ.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ những người đi trước, nhiều thanh niên trong bản cũng học tập theo. Số lượng người đi xuất khẩu lao động ngày một tăng, chủ yếu ở: Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc...

Bà La Thị Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết, trên địa bàn xã có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động, một số gia đình cả hai vợ chồng cùng đi nước ngoài. Bình quân tiền gửi về cho gia đình qua ngân hàng từ 10 - 20 triệu đồng/tháng, tạo thu nhập ổn định.

“Bình Sơn 2 là bản có số lao động làm việc ở nước ngoài nhiều nhất. Trong thời gian tới, chính quyền sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ và giới thiệu các đơn hàng có thu nhập cao, ổn định cho người dân có nhu cầu”, bà Văn chia sẻ.

nghe-an-xa-mien-nui-khoi-sac-nho-lao-dong-xuat-khau-1-4430.jpg
Bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ giàu có, trù phú hơn nhờ xuất khẩu lao động.

Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ

Hiện nay, lao động dân tộc thiểu số ở Nghệ An đang nhận được hỗ trợ từ Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 4, Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững năm 2023 và Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 5 CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Người lao động được tiếp cận với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Mỗi lao động đi xuất khẩu được hỗ trợ theo nhiều mức, trong đó mức cao nhất đến 15 triệu đồng/người.

Theo Sở LĐTB&XH Nghệ An, trong năm 2023, tỉnh Nghệ An có khoảng 24.000 người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, chiếm tỷ lệ lớn vẫn là lao động ở các huyện đồng bằng, thành thị như Nghi Lộc, Yên Thành, Cửa Lò…

Lao động ở các huyện miền núi, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ mới chủ yếu đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành, tỷ lệ xuất khẩu lao động còn thấp, mỗi huyện chỉ vài trăm người như huyện Con Cuông hơn 300 người, huyện Kỳ Sơn gần 200 người, Quỳ Châu hơn 260 người…

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình mới, tích hợp lồng ghép nhiều chương trình giai đoạn trước nên yêu cầu về thẩm định, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục khó hơn với nhiều nội dung, dự án, tiểu dự án.

nghe-an-xa-mien-nui-khoi-sac-nho-lao-dong-xuat-khau-3-6443(1).jpg
Bà con trong bản thăm gia đình anh Cụt Văn Phách sau khi anh từ Đài Loan trở về.

Quá trình triển khai, các sở, ngành, Ban Dân tộc cũng đã trao đổi, nắm bắt các phản hồi từ địa phương để có đề xuất, kiến nghị cấp ngành liên quan tháo gỡ, giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả hỗ trợ của nguồn vốn đầu tư công của các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG).

Được sự đồng ý của Quốc hội, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành văn bản cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn các CTMTQG và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 sang năm 2024.

Theo ông Sơn, nhờ chính sách tháo gỡ quan trọng này, người dân các huyện miền Tây Nghệ An, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội được thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động.

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Những thanh niên ở các bản làng nghèo ở huyện vùng cao Kỳ Sơn quyết định đi xuất khẩu lao động khi trở về không chỉ có cuộc sống tốt hơn, mà còn tiếp thu thêm nhiều kỹ năng, kiến thức.

Song cái được lớn nhất ở đây chính là họ đã thay đổi được tư duy cũ, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn vươn xa trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của quê hương.

Phạm Tâm