Kinh tế

Trao 'cần câu' sinh kế giúp đồng bào huyện Định Hoá thoát nghèo

Phương Thảo 16/04/2024 - 07:36

Trao “cần câu” sinh kế là cách làm thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ đồng bào vươn lên trong cuộc sống, thay đổi tư duy, nhận thức để thoát nghèo.

Trao “cần câu”

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng các mô hình, trao sinh kế giúp đồng bào phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

trao-can-cau-sinh-ke-giup-dong-bao-huyen-dinh-hoa-thoat-ngheo-1288.jpg
Trao 'cần câu' sinh kế giúp đồng bào huyện Định Hoá thoát nghèo.

Xã Tân Dương, huyện Định Hoá có tổng số 938 hộ dân, trong đó có 70 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Quá trình tổ chức, thực hiện chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững được địa phương triển khai một cách nhanh chóng, giúp người dân sớm được tiếp cận với nguồn vốn và các dự án.

Ngay khi được đầu tư nguồn vốn, xã Tân Dương sẽ đưa xuống các xóm để lựa chọn dự án, các tiểu dự án phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của các hộ gia đình, trong đó dự án hỗ trợ con giống cụ thể là hỗ trợ giống bò sinh sản cho các hộ gia đình nuôi theo hình thức bán chăn thả đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của bà con.

Dự án được triển khai tới 11 hộ dân trong toàn xã, thực hiện qua tổ sản xuất cộng đồng, nhà nước hỗ trợ 95% và người dân đối ứng 5% tiền con giống, trung bình mỗi con bò có trọng lượng trên 190kg, trong vòng 3 năm, các hộ dân phải thực hiện cam kết không được bán con giống.

Là một trong 11 hộ dân được nhận bò giống theo chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững bà Khuông Thị Loan, người dân tộc Tày, trú tại xóm Tràng, xã Tân Dương, huyện Định Hoá chia sẻ: Tôi là một bà mẹ đơn thân, một mình nuôi con nhỏ, gia đình thuộc hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, chủ yếu đi làm thuê, làm mướn để lo cho cuộc sống qua ngày.

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là xã Tân Dương, gia đình chúng tôi được nhận một con bò giống để chăm sóc và nuôi dưỡng. Quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã được cán bộ khuyến nông của xã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò...

Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông, thú y xã cũng thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và phòng, chống đói rét cho bò. Từ khi nhận con giống đến nay, bò sinh trưởng, phát triển tốt, tôi sẽ cố gắng chăm chỉ nuôi dưỡng con bò thật tốt và chỉ mong rằng nó sẽ sinh sản và tạo thêm nguồn thu nhập để nuôi con ăn học.

Nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo

Bà Ma Thị Chữ, trưởng xóm Tràng, xã Tân Dương cho biết: Xóm có tổng số 92 hộ dân, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 98%, chủ yếu là các dân tộc Nùng, Tày. Hiện, cả xóm còn 9 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Hàng năm xã đã phối hợp cùng MTTQ để rà soát hộ nghèo theo các tiêu chí, họp các hộ dân để có thể lựa chọn và hỗ trợ các hộ nghèo một cách tối đa.

can-bo-xa-tan-duong-den-tham-hoi-kiem-tra-cac-ho-dan-nuoi-bo-tren-dia-ban-9678(1).jpg
Cán bộ xã Tân Dương đến thăm hỏi, kiểm tra các hộ dân nuôi bò trên địa bàn.

Cũng theo bà Chữ, dự án hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Những hộ được nhận bò trong đợt này là những hộ đã được xét chọn đảm bảo đúng đối tượng, đúng các tiêu chí.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dương, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Về cơ bản, dự án khi được triển khai có nhiều thuận lợi, các chế độ, chính sách được triển khai nhanh, các văn bản hướng dẫn cụ thể, quá trình khảo sát thực hiện dự án có nhiều thuận lợi, bà con khi được hỗ trợ con giống vô cùng phấn khởi, các hộ gia đình đều cam kết sau khi triển khai dự án đều sẽ cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó xã Tân Dương cũng có điều kiện khí hậu, thổ dưỡng phù hợp, địa phương có nguồn thức ăn dồi dào, đất đai rộng để trồng cỏ trồng lúa, ngô, chuối để con bò phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như một số hộ nghèo không có sức lao động, do đó địa phương phải thay đổi hình thức hoặc đổi con giống, ngoài ra một số hộ có hoàn cảnh quá khó khăn, không có đủ tiền để đối ứng cho dự án, chính vì vậy địa phương đã đưa ra giải pháp chia thành các đợt khác nhau.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, dự án được triển khai sẽ góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo phát triển sinh kế, đặc biệt là những hộ thiếu vốn sản xuất, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, góp phần chung tay cùng với chính quyền địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Phương Thảo