Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.
Hiện toàn tỉnh có 339 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX cung ứng dịch vụ cho thành viên trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; một số HTX quản lý vận hành các công trình thuỷ lợi và nước sạch nông thôn.
Trong tỉnh hiện có 30% HTX có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hữu cơ; 10 HTX và 1 tổ hợp tác được Sở NN&PTNT cấp mã số vùng trồng nội địa, 4 HTX đang chờ xét duyệt cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Các HTX đóng góp quan trọng đối với đảm bảo hiệu quả an sinh xã hội, đem lại nhiều lợi ích thông qua các dịch vụ cho cộng đồng thành viên và đời sống kinh tế nông thôn; góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân; tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xoá đói, giảm nghèo.
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 70 HTX (vượt 75% kế hoạch) và 12 tổ hợp tác; giải thể 15 HTX, 12 tổ hợp tác, 1 quỹ tín dụng nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 758 tổ chức KTTT (546 HTX, 3 quỹ tín dụng nhân dân và 209 tổ hợp tác). Có 640 tổ chức KTTT đang hoạt động có hiệu quả, sản xuất, kinh doanh ổn định; 79 HTX, 39 tổ hợp tác ngừng hoạt động. Các tổ chức KTTT thu hút 16,3 nghìn thành viên và 28 nghìn lao động tham gia. Thu nhập bình quân trong HTX đạt 4,54 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, số lượng tổ chức KTTT tăng, chất lượng hoạt động dần được nâng cao, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ thành viên phát triển thông qua các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên. Nhiều HTX được thành lập mới, các HTX yếu kém ngừng hoạt động, tồn tại hình thức được vận động giải thể. Hoạt động liên kết được tăng cường, xuất hiện các mô hình HTX điển hình, tham gia chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên. KTTT, nhất là HTX nông nghiệp là cơ sở kinh tế, xã hội có vai trò quan trọng đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn; hoạt động của HTX góp phần quan trọng hỗ trợ kinh tế hộ thành viên vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển, đảm bảo thu nhập, đời sống, giúp đóng góp cho ổn định chính trị, xã hội địa phương.
Năm 2024, thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU, ngày 6/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển KTTT tại địa phương. Trong đó, tập trung làm tốt hoạt động tuyên truyền, triển khai Luật HTX năm 2023, các hoạt động hỗ trợ KTTT xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin pháp luật kinh tế, hợp tác, liên kết, liên doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của HTX, đơn vị thành viên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo cầu nối quan trọng cho HTX, đơn vị thành viên với các cấp ủy, chính quyền góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy KTTT không ngừng phát triển. Duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ thành viên, nhóm HTX ngành hàng gắn với liên kết sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, chương trình, sự kiện để tạo điều kiện cho các HTX, đơn vị thành viên gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; tạo diễn đàn cho các đơn vị trao đổi thông tin, học hỏi và tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển...