Câu chuyện thổ cẩm
Dáng ngồi tần tảo, chịu thương chịu khó của những chị, những mẹ đang say sưa dệt vải dưới bóng nhà rông Kon Klor ấy đang kể với tôi một câu chuyện dài về thổ cẩm và tình yêu kỳ lạ với thổ cẩm.
Không phải ở làng nhưng hôm nay nhà rông Kon Klor rộn rã thanh âm lách cách của con thoi va vào khung dệt, lại phấp phới sắc màu thổ cẩm, như níu kéo người ta dừng bước thật lâu để ngắm, để trầm trồ từng đường dệt, từng nét hoa văn.
Ấy là vì nơi đây đang diễn ra Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum, (tỉnh Kon Tum) lần thứ III. Dưới bóng nhà rông, bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu về nghề dệt và sản phẩm thổ cẩm, trình diễn trang phục thổ cẩm, những mẹ, những chị còn phô bày tài dệt.
Tôi đến ngồi cạnh một khung dệt đặt dưới gốc cây, mê mải nhìn đôi tay thoăn thoắt vỗ vào khung dệt của chủ nhân. Chị ngước lên nhìn, mỉm cười thân thiện. Tấm thổ cẩm đang dần hình thành, mang 3 màu sắc chủ đạo đặc trưng trắng, đỏ và đen của dân tộc Ba Na.
Ông A Jar, một người am hiểu văn hóa các DTTS tại chỗ ở Kon Tum, từng nói với tôi rằng, thổ cẩm, với bất cứ DTTS nào ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, gắn bó mật thiết với đời sống mỗi dân tộc.
Để có một tấm thổ cẩm, phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người dệt. Qua thời gian, thổ cẩm trở thành di sản, thành tinh hoa của nghề dệt may thủ công truyền thống; là biểu tượng văn hóa và tinh thần của các DTTS tại chỗ.
Vải thổ cẩm được dệt chủ yếu từ sợi bông thô, sợi lanh kết hợp với màu nhuộm từ thiên nhiên. Mỗi DTTS đều có cách dệt thổ cẩm riêng biệt với hoa văn khác nhau. Mỗi loại hoa văn gắn liền với môi trường sống, qua đó thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của vùng miền.
Trong đó, với người Ba Na, màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh, tình yêu; màu trắng tượng trưng cho khát vọng, ước mơ. Đặc biệt, màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên.
Vì vậy, thổ cẩm của người Ba Na mang 3 màu sắc chủ đạo này. Và trong các màu thì người Ba Na coi trọng màu đen hơn cả. Họ tôn sùng nó như tôn sùng một sức mạnh siêu nhiên.
Nhìn tấm thổ cẩm dệt dở, tôi khen có họa tiết đẹp và mềm mại. Chị hân hoan: Từ khi mới sinh ra, bên tai mình đã nghe tiếng thoi dệt lách cách. Khi con mắt bắt đầu biết nhìn xung quanh, mình đã thấy khung dệt, thấy đôi tay thoăn thoắt luồn thoi của bà ngoại.
Lớn lên chút nữa, từ lúc biết chạy nhảy, trong khi chị em gái, bạn bè cùng lứa chạy nhảy, đùa nghịch thì mình có thể ngồi hàng giờ liền nhìn bà ngoại dệt thổ cẩm. Cũng không biết vì sao mà lại mê đến thế.
Bà ngoại còn kể sự tích về thổ cẩm. Chuyện rằng, xưa lắm rồi, Yă Pôm vì thương người Ba Na không có quần áo mặc, bị rét mướt, nên đã bày cho cách lấy bông mọc hoang trong rừng về se thành chỉ, dệt nên thổ cẩm.
Yă Pôm lại bày dệt những hoa văn là hình dạng các con vật hay đồ vật quen thuộc ở xung quanh cho tấm vải thêm đẹp.
Trải qua nhiều thế hệ, phụ nữ Ba Na đã sáng tạo ra hàng trăm kiểu dáng hoa văn khác nhau trên thổ cẩm. Thậm chí, người Ba Na cư trú ở mỗi vùng khác nhau lại có những kiểu hoa văn riêng biệt.
Nhưng dù có thể nào đi nữa thì tựu trung lại, thổ cẩm của người Ba Na thường có màu sắc tươi sáng, bay bổng như thể hiện ước mơ, khát vọng và ẩn chứa tâm hồn của người dệt.
Sau khi dệt hoàn chỉnh tấm vải, người ta mới tiến hành phân chia để may thành trang phục hoặc làm chăn đắp hay tấm vải cõng con. Tấm thổ cẩm (dù là chăn hay váy áo) nói lên tay nghề giỏi hay kém của những người phụ nữ Ba Na.
Chị nhớ mãi lời dạy của bà ngoại, muốn dệt giỏi, dệt đẹp, không chỉ cần kỹ thuật tốt, mà còn phải dệt bằng cả trái tim. Người dệt giỏi còn phải biết tìm nguyên liệu tạo màu, phối màu, tạo mẫu hoa văn và thêu giỏi nữa.
Một tấm vải dệt bình thường, hai mặt trái, phải được phân biệt rất rõ nét, bề trái của các hoa văn cũng sẽ nổi bật lên. Còn một tấm vải dệt đẹp, ngoài sự mịn màng của mặt vải, ít lỗi nối do đứt sợi, các hoa văn sẽ chìm trong các đường sợi dọc, sợi ngang; mặt trái của tấm vải vẫn rất mịn và không hề nhìn thấy bề trái của hình hoa văn.
Như mình thế này còn chưa ăn thua đâu, một số người già dệt giỏi còn không nhìn thấy đường “chạy” của hoa văn trên bề mặt trái của tấm vải nữa, bởi nó được giấu kín rồi- chị khiêm tốn nói.
Với lối tư duy đơn giản, các họa tiết trên vải thổ cẩm của người Ba Na là những hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao, phản ánh quan niệm về vũ trụ, trời - đất, âm - dương.
Đặc biệt, vì lấy thiên nhiên làm hình mẫu nên có thể nói, mỗi tấm thổ cẩm được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học.
Ngắm những chị, những mẹ say sưa bên khung dệt, tôi nhận ra bên trong dáng người tần tảo, chịu thương chịu khó ấy luôn ẩn chứa một tình yêu kỳ lạ với thổ cẩm. Tình yêu ấy giống như than hồng, cứ lặng lẽ, bền bỉ nép mình chờ đến lúc bùng cháy.
Tôi tin rằng, chỉ cần ngắm đôi tay thoăn thoắt của chị luồn thoi chỉ, dập sợi, tách các đường chỉ màu để tạo hoa văn, bất cứ cô gái Ba Na nào cũng sẽ nhen nhóm trong lòng khát khao cầm lên thoi dệt.
Cứ như vậy, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, phụ nữ Ba Na truyền cho nhau đam mê và trách nhiệm giữ gìn nghề dệt.
Họ cũng chính là những người góp công lớn để tháng 2/20213 nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cứ như vậy, chỉ cần bước vào bất kỳ làng Ba Na nào, ta đều được nghe tiếng lách cách của khung cửi dệt vải; được nhìn đôi tay của các mẹ, các chị mềm mại, uyển chuyển xe sợi, kéo chỉ dệt vải; được ngắm những bộ váy áo phơi trên dây như đàn bướm dập dờn trước gió.