Người đưa nghị quyết đến với Nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Bằng tinh thần trách nhiệm, đội ngũ bí thư chi bộ thôn, bản, khu phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong tỉnh không chỉ gắn bó mật thiết với Nhân dân, mà còn là lực lượng “nòng cốt” trong công tác tuyên truyền đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với Nhân dân.
Thôn Tiến Sơn, xã Minh Tiến (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) có 134 hộ dân với 4 dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao cùng chung sống đoàn kết, gắn bó và nghĩa tình. Năm 2018, chị Bùi Thị Hà, dân tộc Mường được các đảng viên trong chi bộ thôn Tiến Sơn tín nhiệm bầu giữ chức vụ bí thư chi bộ. Đồng thời, Nhân dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Đảm nhận trọng trách này, chị Hà không khỏi băn khoăn và lo lắng vì khi ấy Tiến Sơn là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc.
Chị Hà chia sẻ: “Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của đảng ủy, chính quyền xã Minh Tiến, tôi cùng các đồng chí trong chi ủy xác định được hướng đi, đó là đưa Tiến Sơn đạt chuẩn nông thôn mới”. Nhằm tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động, chi bộ thôn đã ban hành nghị quyết về XDNTM. Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống và khơi dậy sức dân, chị đã tích cực tuyên truyền giúp Nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc XDNTM. Khi tư tưởng thông suốt, người dân thôn Tiến Sơn đã đồng thuận đóng góp tiền, ngày công cho công cuộc XDNTM. Theo đó, Nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 4,6 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa và cổng làng khang trang, bê tông hóa đường giao thông nội thôn, tu sửa kênh mương thủy lợi, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở các khu dân cư.
Từ một thôn khó khăn, nhưng dưới sự “chèo lái” của chị Hà, đến cuối năm 2021 Tiến Sơn đã về đích NTM. Hiện nay, cán bộ và Nhân dân địa phương đang chung sức xây dựng Tiến Sơn trở thành thôn NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chị còn trăn trở tìm cách giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Với tâm huyết xây dựng mô hình kinh tế thoát nghèo, chị đi từng nhà, thăm hỏi từng hoàn cảnh, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến kinh tế khó khăn của từng hộ gia đình để tư vấn cách làm năm. Đến nay, ở thôn Tiến Sơn phần lớn các hộ dân thực hiện cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Nhờ sản xuất hiệu quả nên thu nhập bình quân trên đầu người của thôn hơn 50 triệu đồng/năm, đời sống không ngừng được nâng lên.
Về phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) chúng tôi được nghe đồng bào dân tộc Dao nơi đây kể chuyện ông Triệu Phúc Hiến, bí thư chi bộ phố - người luôn chăm lo công việc chung của cộng đồng và đời sống Nhân dân. Toàn phố có 105 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Mặc dù thuộc thị trấn Phong Sơn nhưng điều kiện kinh tế, đời sống của Nhân dân trong phố còn nhiều khó khăn. Bởi nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong phố dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Với vai trò bí thư chi bộ, ông Hiến luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chính đáng của Nhân để hiểu dân, biết dân cần gì, muốn gì. Trên cơ sở đó, ông làm “cầu nối” chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông đã chủ động tuyên truyền, vận động Nhân dân trong phố phát huy nội lực “chung sức, chung lòng” xây dựng phố kiểu mẫu. Được tuyên truyền, Nhân dân trong phố đã tham gia ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần để xây dựng các công trình phúc lợi chung, như bê tông hóa hơn 2km đường giao thông với kinh phí 150 triệu đồng; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, với kinh phí 431,362 triệu đồng. Nhờ sức dân mà bộ mặt đô thị của phố ngày càng thay đổi.
Vùng DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi. Trong đó có 1.551 thôn, bản, khu phố của 174 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS&MN. Bằng uy tín, tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ bí thư chi bộ thôn, bản, khu phố vùng DTTS&MN trong tỉnh luôn phát huy vai trò “cầu nối” đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Đồng thời tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nhất là phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp VAC hiệu quả. Nhờ vậy, hiện nay ở các huyện miền núi trong tỉnh đã xuất hiện nhiều hộ nông dân người DTTS đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như: Ông Bùi Văn Hóa, dân tộc Mường ở thôn Suội, xã Thiết Ống (Bá Thước); ông Triệu Văn Minh, dân tộc Dao ở thôn Sơn Lập, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy); ông Bùi Đức Mậu, dân tộc Mường ở thôn Bất Mê, xã Thành Công (Thạch Thành)...
Trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, đội ngũ bí thư chi bộ thôn, bản, khu phố vùng DTTS&MN đã không quản ngại khó khăn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động đồng bào hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường bê tông, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng thêm nhiều nhà văn hóa thôn, lắp đặt điện chiếu sáng, camera an ninh đường làng, ngõ xóm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Đến nay, khu vực miền núi trong tỉnh đã có 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM.