Vai trò của bí thư chi bộ trong xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, từ sự gương mẫu, đi đầu của đội ngũ bí thư chi bộ, việc xây dựng nông thôn mới trong vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum có nhiều khởi sắc, cuộc sống và lao động sản xuất của người dân chuyển biến tích cực, đặc biệt là các buôn làng ở vùng sâu, vùng xa.
Đầu tháng 3 vừa qua Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Yaly, huyện Sa Thầy đón nhận Quyết định của UBND tỉnh Kon Tum công nhận xã Yaly đạt chuẩn nông thôn mới. Trong niềm vui chung của người dân trong xã có niềm vui của ông A Thoải, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chứ, xã Ya Ly. Nhiều năm qua ông đã gương mẫu đi đầu cùng tập thể chi bộ kiên trì hướng dẫn, vận động 262 hộ dân thôn Chứ thay đổi nếp nghĩ, cách làm vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tích cực tham gia công việc chung của thôn góp sức xây dựng nông thôn mới.
Ông A Thoải cho biết, trong việc vận động quần chúng, cần nhất là sự kiên trì, thấu tình đạt lý: “Lúc đầu nhiều người cũng chưa hiểu, rồi lại sợ thiệt nhưng rồi cũng nghĩ tới lợi ích chung. Các đảng viên trong chi bộ cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn sử dụng những cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp và ưu tiên quan tâm đến việc học tập của con cái”.
Sau 12 năm kiên trì với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xã Yaly, huyện Sa Thầy huy động được hơn 30 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng trường, lớp học và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Cùng với đó tại 3 làng dân tộc thiểu số: Chứ, Tum và Chờ giờ không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn dưới 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng.
Bí thư Đảng uỷ xã Ya Ly Phan Chí Thiện khẳng định, để tạo được bước đột phá và về đích trong xây dựng nông thôn mới có vai trò quan trọng của Bí thư chi bộ 3 thôn dân tộc thiểu số mà điển hình như Bí thư chi bộ thôn Chứ A Thoải: “Trong việc xây dựng nông thôn mới cũng như các hoạt động của xã thì đồng chí A Thoải triển khai rất là quyết liệt. Đồng chí A Thoải chỉ đạo các hộ gia đình mà có chuồng bò không hợp vệ sinh di dời. Vận động, tuyên truyền một số bà con hiến đất làm đường cho nông thôn mới. Rồi cùng với chi bộ trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”.
Thực tế cho thấy đội ngũ Bí thư chi bộ tại các thôn, làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở cơ sở. Điều này càng được khẳng định khi thực hiện chủ trương nhất thể hoá chức danh Bí thư kiêm trưởng thôn, đến nay tỉnh Kon Tum đã có 410/756 bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố. Bí thư Chi bộ A Sao, kiêm Trưởng thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết, việc nhiều hơn nhưng rất thuận lợi trong chỉ đạo, thực hiện công việc của thôn. Từ việc nêu gương và điều hành của A Sao, 230 hộ dân với 1.200 khẩu người Xơ Đăng thôn Kon Teo Đăk Lấp những năm gần đây đã mạnh dạn giảm diện tích mì, bắp, lúa rẫy phát triển mạnh diện tích cà phê, cao su và cây ăn trái.
“Trách nhiệm là người đứng đầu ở thôn tôi rất cố gắng vận động bà con có vườn tận dụng trong chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Mình phải làm được mình nói bà con được. Làm cho bà con thấy, theo được góp phần cho thôn mình được văn hoá từng bước xoá đói nghèo bền vững”, Bí thư Chi bộ A Sao nói.
Để phát huy được vai trò của đội ngũ Bí thư chi bộ ở các thôn, làng dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới, các Đảng bộ cơ sở ở tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức để đội ngũ Bí thư chi bộ nắm vững chủ trương, đồng thời cũng đủ khả năng hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho người dân trong lao động sản xuất. Ông Trần Ngọc Trực, Bí thư Đảng uỷ xã Đăk Long, huyện Đăk Hà cho biết giải pháp mà thường trực Đảng uỷ xã đã thực hiện để phát huy vai trò của 5 Bí thư chi bộ thôn dân tộc thiểu số trong xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế gia đình.
“Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng uỷ tổ chức các đợt cho các đồng chí Bí thư chi bộ trực tiếp tham quan, học hỏi các mô hình hay. Đến thời điểm này triển khai được 5 mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhiều so với các năm trước. Số gia đình khá tăng lên”, ông Trực cho biết.
Đến hết tháng 3 vừa qua tỉnh Kon Tum đã có 44 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Mặc dù các thôn, làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa song đến nay cũng đã có 45 thôn, làng đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Để việc xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh có nhiều khởi sắc, cuộc sống và lao động sản xuất của người dân chuyển biến tích cực luôn có ngọn cờ đầu là đội ngũ Bí thư chi bộ tại các thôn, làng.