Đời sống xã hội

Nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong vùng có đông đồng bào Khmer

Hoàng Uyên 14/04/2024 - 07:29

Bạc Liêu hiện có gần 17.170 hộ dân tộc Khmer, chiếm trên 8% dân số của tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào Khmer. Đồng thời luôn đổi mới, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên, các vị sư sãi, đồng bào Khmer tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tạo điều kiện cho đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.

13-4-1-bac-lieu.png
Ông Bùi Tấn Bảy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà cho người có uy tín, hộ gia đình chính sách người Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) nhân dịp tết Chôl-chnăm-thmây 2024.

Nhiều chương trình, chính sách nâng cao đời sống đồng bào dân tộc

Thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Bí thư “về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”, các cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực về công tác dân tộc như: phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; chăm lo phát triển y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hóa các dân tộc. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp luôn chú trọng chăm lo, tạo điều kiện, đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc, triển khai các chủ trương, chính sách, đề án, dự án của tỉnh, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào Khmer.

Một trong những chủ trương được triển khai hết sức hiệu quả là kết quả thực hiện Chương trình 135 của tỉnh. Với nguồn vốn trên 22,7 tỷ đồng, tỉnh đã đầu tư trên 60 tuyến đường bê-tông, nhiều cầu nông thôn vững chắc; hỗ trợ hơn 1.000 hộ còn khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập bằng nhiều hình thức như: tặng cây - con giống, vốn tiền mặt, vật tư nông nghiệp, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật…

Qua việc thực hiện Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Bạc Liêu cũng đã triển khai nhiều dự án, tiểu dự án được tích hợp từ các chính sách dân tộc, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2023, theo Quyết định này, Bạc Liêu đã xây dựng 400 căn nhà, hỗ trợ 680 hộ đồng bào chuyển đổi nghề, 153 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt... Đồng thời, các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo lao động nông thôn, dạy nghề, tư vấn việc làm, giáo dục pháp luật cũng được quan tâm triển khai thực hiện khá đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển trong vùng đồng bào DTTS nói chung, dân tộc Khmer nói riêng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trong vùng có đông đồng bào dân tộc.

13-4-2-bac-lieu.png
Lãnh đạo xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình) thăm hỏi và hỗ trợ hộ Khmer xây dựng mái ấm tình thương. Ảnh: T.T

Tăng cường xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong đồng bào dân tộc

Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng luôn thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng... cán bộ là người dân tộc. Hiện nay, tỉnh có 882 cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer đang công tác trong hệ thống chính trị các cấp, 94 người là đại biểu HĐND các cấp.

Song song đó, tỉnh cũng lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống cơ quan Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng từng bước phát huy vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, 5 năm qua đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được trên 2.080 cuộc, có hơn 116.730 lượt người tham dự. Qua đó, đồng bào dân tộc Khmer được tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến dân tộc mình. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, các hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà người có uy tín trong đồng bào Khmer nhân các ngày tết, lễ trọng; tranh thủ người có uy tín trong đồng bào Khmer và các vị sư sãi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ngay từ khi mới phát sinh.

Rất nhiều mô hình, phong trào thi đua sôi nổi đã thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Khmer tham gia và thực hiện hiệu quả như: Mô hình tổ tự quản dòng tộc... ở xã Vĩnh Trạch và xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu); mô hình Câu lạc bộ người Khmer ba tích cực ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi). Hay trong sản xuất có Đội dịch vụ việc làm của bà con Khmer ấp Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình); mô hình giúp nhau dạy chữ để tiện lợi trong giao dịch và làm kinh tế gia đình của chị em phụ nữ dân tộc Khmer ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình)...

Có thể khẳng định, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước cùng với sự đồng lòng, quyết tâm vươn lên của người dân đã làm thay đổi tích cực đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Từ đó, người dân nói chung và đồng bào Khmer nói riêng ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, chung tay cùng chính quyền trên chặng đường phát triển bền vững.

Hoàng Uyên