Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chúc Tết đồng bào Khmer tại Vĩnh Long
Ngày 13.4, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm dẫn đầu Đoàn công tác của Thường trực Hội đồng Dân tộc thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay tới đồng bào Khmer tại Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long và chùa Hạnh Phúc Tăng (huyện Vũng Liêm).
Cùng tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; Thường trực Hội đồng Dân tộc; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Vĩnh Long...
Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết dân tộc
Đến thăm Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long, chùa Hạnh Phúc Tăng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc gửi lời chúc mừng năm mới tới đồng bào Khmer của Vĩnh Long; chúc các vị chức sắc, chư tăng, đồng chí, đồng bào đón Tết Chol Chnam Thmay an lành, đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, với hơn 1,3 triệu người trên cả nước, đồng bào Khmer có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng bào luôn tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức, đồng lòng với Nhân dân cả nước đóng góp tích cực vào những thành tựu, kết quả to lớn, toàn diện của đất nước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong muốn đồng bào, đồng chí và các vị sư sãi Khmer tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch; quan tâm vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia thực hiện tốt các phong trào tại địa phương, chung sức, đồng lòng xây dựng Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long, Sư cả chùa Hạnh Phúc Tăng Sơn Ngọc Huynh bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến Đoàn công tác đã thăm hỏi và tặng quà các vị Đại đức, Chư tăng, thành viên Ban Quản trị và đồng bào Khmer tại chùa Hạnh Phúc Tăng.
Sư cả chùa Hạnh Phúc Tăng vui mừng cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống đồng bào Khmer được nâng lên, nhờ đó, bà con đón Tết vui tươi, phấn khởi.
Sư cả Sơn Ngọc Huynh cũng cho biết, thời gian qua, nhà chùa luôn quán triệt phật tử, bà con đoàn kết, tuân thủ theo pháp luật, đặc biệt là cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tuân thủ "3 không": không nghe, không biết và không làm theo những lời xúi giục, lôi kéo của các phần tử xấu, kích động.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đã chuyển 10 phần quà ý nghĩa của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (mỗi phần quà trị giá 3 triệu đồng) đến Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Acha, tăng ni phật tử và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đã trao 50 triệu đồng tặng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long và 10 triệu đồng tặng chùa Hạnh Phúc Tăng.
Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long, Huyện ủy, UBND huyện Long Hồ và một số ban, ngành của Vĩnh Long cũng trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa đến Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Acha, tăng ni phật tử và người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay.
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số phát triển
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và Thường trực Hội đồng Dân tộc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long về tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Vĩnh Long có diện tích tự nhiên 1.525,73km2, dân số hơn một triệu người, có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa; trong đó, dân tộc Kinh chiếm khoảng 97,4%, các dân tộc khác chiếm khoảng 2,6% dân số toàn tỉnh. Vĩnh Long có 3 xã thuộc khu vực I (xã Đông Bình, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh; xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) và 2 xã thuộc khu vực III (xã Tân Mỹ và Trà Côn, huyện Trà Ôn).
So với đồng bào Kinh và Hoa trên địa bàn, đời sống của đồng bào Khmer khó khăn hơn, hầu hết sống bằng nghề nông, một bộ phận làm thuê mướn hoặc buôn bán nhỏ. Đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương cho biết, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống người dân vùng đồng bào DTTS; đặc biệt là những dịp lễ, tết đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà người dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách… Hiện nay, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2.808 hộ/294.840 hộ, chiếm hơn 0,9%. Hộ nghèo DTTS giảm còn 302 hộ/8.735 hộ DTTS, chiếm hơn 3,4%.
Đối với công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021 - 2023, nguồn vốn được bố trí là 60.884 triệu đồng. Trong đó, năm 2022, giải ngân 10.588 triệu đồng, đạt 62,11% kế hoạch. Năm 2023, giải ngân là 26.719 triệu đồng, đạt 62,64% kế hoạch.
Đối với nguồn vốn giải ngân chưa hết của năm 2022 và 2023, theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18.01.2024 của Quốc hội, địa phương tiếp tục bố trí vốn để thực hiện các Dự án thuộc Chương trình trong năm 2024 theo quy định.
Trong quá trình thực hiện Chương trình, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cho biết, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: năm đầu tiến độ giải ngân nguồn vốn còn chậm do phạm vi, đối tượng thụ hưởng chương trình, định mức nguồn vốn phân bổ cho từng dự án… có lúc chưa phù hợp. Một số dự án được Trung ương phân bổ bố trí vốn nhưng đến thời điểm triển khai thì không còn đối tượng thụ hưởng hoặc có đối tượng thụ hưởng, nhưng tỷ lệ được hưởng chiếm số ít...
Kiến nghị với Đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đề nghị Trung ương xem xét mở rộng phạm vi, đối tượng được thụ hưởng Chương trình, vì hiện nay, tỷ lệ xã, ấp vùng đồng bào DTTS thuộc địa bàn xã khu vực II, III và ấp đặc biệt khó khăn trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn Vĩnh Long ngày càng giảm.
Ngoài ra, cần điều chỉnh một số nội dung dự án thuộc Chương trình theo hướng bao quát, mở rộng hơn để địa phương có các dự án, cần nguồn vốn để đầu tư, gồm các công trình di tích cấp tỉnh và các điểm trường thuộc vùng đồng bào DTTS. Xem xét về chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại địa bàn ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, có 2 văn bản của Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế chưa đồng nhất trong hướng dẫn thực hiện.
Đánh giá cao những kết quả Vĩnh Long đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Đoàn công tác đề nghị, cần quan tâm hơn đến những dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Qua số liệu báo cáo của tỉnh cho thấy, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh, nhưng số hộ nghèo là đồng bào DTTS còn hơn 3,4%.
Đoàn công tác đề nghị, trong quá trình thực hiện Chương trình, các sở, ngành cần mạnh dạn kiến nghị những khó khăn, vướng mắc hoặc chồng chéo văn bản để Thường trực Hội đồng Dân tộc có cơ sở kiến nghị đến cấp có thẩm quyền điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện các dự án, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao Vĩnh Long đã dành sự quan tâm đến công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Vĩnh Long tiếp tục tập trung chỉ đạo việc cụ thể hóa, triển khai đầy đủ các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương… đến các tầng lớp nhân dân; phát huy tốt truyền thống tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn, an ninh văn hóa tư tưởng, tình hình tôn giáo, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của địa phương; cho biết, thông tin tại cuộc làm việc là cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xây dựng chính sách và thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc lĩnh vực dân tộc theo quy định của pháp luật.