Đồng bào Khmer chung tay xây dựng quê hương
Những ngày giáp Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ, chúng tôi trở lại huyện Vĩnh Lợi, nơi có đông bà con Khmer nhất tỉnh Bạc Liêu. Đến các xã Hưng Hội, Hưng Thành, Châu Thới, thị trấn Châu Hưng, chúng tôi cảm nhận rất rõ tình đoàn kết, gắn bó giữa bà con người Việt, người Khmer, người Hoa cùng chung tay, góp sức xây dựng gia đình, làng quê ngày một tươi đẹp, thanh bình.
Vui nhất là bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Trước đây, xe ô-tô đến nhiều xã trong huyện vô cùng khó khăn, hôm nay ô-tô “vi vu” đến tận nhiều ấp vùng sâu của huyện một cách ngon lành.
Ở nông thôn Vĩnh Lợi bây giờ, nhà cửa của bà con, đặc biệt nhiều hộ Khmer, đã được xây dựng, sửa chữa khang trang, sạch đẹp, gọn gàng. Đây là minh chứng cụ thể, sinh động của phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn tiêu biểu của huyện đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm cho nông thôn đã và đang thật sự rút ngắn khoảng cách so với thành phố, thị xã, thị trấn.
Đồng chí Trương Thanh Nhã, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi cho biết thêm: Đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết người dân trong huyện có bước phát triển so với nhiều năm trước. Đáng mừng nhất là nhiều hộ nông dân trong huyện đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như sản xuất lúa chất lượng cao; trồng rau, màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm..., đã giúp nhiều hộ nông dân khá giả, không ít hộ xây dựng được nhà mới khang trang. Một số ít hộ nhờ phát triển kinh tế tổng hợp đã sắm được ô-tô.
Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Lợi, nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Dù vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nhìn chung, bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực, rất đáng mừng.
Hầu hết nhân dân trong huyện đều đồng lòng, chung tay, góp sức cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Bà con cố gắng tự tìm tòi, suy nghĩ để vươn lên trong sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và chính quyền địa phương như nhiều năm trước.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện Vĩnh Lợi đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời...
Xã Hưng Hội, nơi có hơn 76% dân số là đồng bào Khmer được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sớm so với các xã trong huyện Vĩnh Lợi. Đến thăm một số ấp của xã Hưng Hội như: Cái Giá, Nước Mặn, Cù Lao, Phú Tòng, Đay Tà Ni, Sóc Đồn, ô-tô đi lại một cách dễ dàng, không quá vất vả như 5-10 năm về trước.
Thượng tọa Tăng Sa Vông, trụ trì chùa Cái Giá Chót ở xã Hưng Hội chia sẻ, Hưng Hội có được sự thay đổi như ngày hôm nay không phải chuyện dễ dàng và không phải một sớm, một chiều có được. Đó là cả một quá trình, sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của cán bộ và toàn dân nơi đây...
Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi Trương Thanh Nhã, Vĩnh Lợi hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm của huyện tương đối thấp, là huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, thiếu liên kết; tiềm năng, lợi thế của huyện vẫn chưa được khai thác có hiệu quả.
Cùng với đó, nhiều công trình, dự án quan trọng, bức xúc thiếu vốn để triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến sự phát triển của huyện. Thu ngân sách của huyện vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.
Huyện ủy Vĩnh Lợi yêu cầu các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và động viên nhân dân trong huyện cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn. Huyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.
Huyện cũng chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện xuống các xã, thị trấn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, quan tâm về mọi mặt hơn nữa đối với đồng bào dân tộc Khmer, phát triển kinh tế gắn liền với ổn định chính trị, xã hội để huyện phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện tốt hơn.