Văn hóa

Bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của người Brâu ở Pờ Y

Thúy Hạnh 13/04/2024 - 08:04

Là một trong số các dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta, đồng bào Brâu được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, với những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và bảo tồn văn hóa. Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người” dành cho người Brâu ở tỉnh Kon Tum đến năm 2025 đã hỗ trợ đầu tư sửa chữa, xây dựng nhà rông, phục hồi nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người Brâu trên địa bàn.

Pờ Y là xã miền núi, biên giới nằm ở vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; có tổng diện tích tự nhiên là 9.481,11ha, với 2.539 hộ/8.590 nhân khẩu, trong đó, người Brâu có 477 nhân khẩu. Bờ Y có đường biên giới dài 20km (8km giáp với Lào, 12km giáp với Campuchia), có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh; cửa khẩu quốc tế Bờ Y có vai trò lớn trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa ở địa phương.

crop_35521026pm_1086_35521026pm93020953pmt9.jpg
Nhà rông tại thôn Đăk Mế là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Brâu. Ảnh: Thúy Hạnh

Người Brâu tụ cư thành làng theo hình vành khuyên từ lâu đời, có hàng rào bao quanh. Cổng làng treo những dải kết bằng lá cây và cắm những hàng chông, hàm ý để cảnh giác với kẻ gian và phòng trừ ma quỷ. Giữa làng là nhà rông, với mái nhà được lợp bằng những cây lồ ô bổ đôi ghép lại và xung quanh nhà dựng nhiều cột thiêng làm nơi cúng thần. Nhà ở là nhà sàn, sàn nhà được cấu trúc thành hai nửa theo chiều dọc, nửa cao là nơi ngủ, nửa thấp đặt bếp lửa. Dọc theo sống nóc mái nhà có phên tre được trang trí hoa văn đặc sắc, đầu hồi nhà có những hình vẽ theo nhiều mô típ...

Nhà rông của đồng bào dân tộc Brâu tại thôn Đăk Mế được Nhà nước hỗ trợ phục dựng đảm bảo cho nhân dân sinh hoạt và đón khách tham quan. Đồng thời, đây là nơi lưu giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm và tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, trình diễn các nhạc cụ của đồng bào dân tộc Brâu. Nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng được dân làng sử dụng trong các dịp lễ, Tết.

Làng người Brâu là nơi bảo lưu vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trong sinh hoạt cộng đồng thường có những trò chơi mang tính trình diễn nghệ thuật dân gian như đi cà kheo, thả diều, đánh phết... Người lớn tuổi thường kể truyện cổ và dạy con cháu tập hát ru, hát mừng lứa đôi nên chồng vợ, cách chế tạo và sử dụng "táp đinh bổ" (klông pút)... Trong sinh hoạt ca nhạc và lễ hội, cồng chiêng có vị trí quan trọng nổi bật; cồng chiêng có nhiều loại (coong, mam, tha, ngô...) với những thang âm khác nhau, trong đó, độc đáo nhất là chiêng tha. Một bộ chiêng tha chỉ có hai chiếc, được người Brâu đặt tên là “chuar” (chiêng vợ) và “jơliêng” (chiêng chồng). Đối với người Brâu, chiêng tha là báu vật, là chiêng lễ, là biểu tượng thiêng liêng của tổ tiên.

Tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Brâu có quan hệ khăng khít với luật tục và tri thức dân gian. Với quan niệm mọi sự vật, hiện tượng đều có thần (yang) ngự trị và có sự phân định trong hệ thống thần linh. Yang paxây là thần sáng tạo trật tự vũ trụ, vị thần tối cao của muôn loài. Các vị thần khác, như thần mặt trời (yang mắt tngay), thần nước (yang dak), thần rừng (yang bri), thần bản mệnh (yang bri phau)... đều phải tuân thủ sự sắp đặt của yang paxây. Người Brâu tin rằng, con người có hồn (phau) nằm ở đỉnh đầu của mỗi người lúc còn sống. Khi ốm đau là lúc hồn bỏ xác đi lang thang. Người chết, hồn lìa khỏi xác, biến thành ma (kdooc)...

Người Brâu có nhiều lễ nghi nông nghiệp, tiêu biểu là cúng thần lửa trước khi đốt rẫy (để thần lửa được hài lòng, làm cho cháy hết những cây to, cây nhỏ đã được đốn ngã trên đất rẫy mà không bực tức tấn công sang những khu rừng giáp ranh); cúng thần brabum mỗi khi gieo hạt (để mong cho lúa mọc đều); giữ tục lệ kiêng cữ, không cho người lạ vào làng hoặc đi qua rẫy trong 3 ngày kể từ lúc gieo hạt (để mầm lúa không bị quấy rầy)... Người Brâu có kinh nghiệm dựa theo tuần trăng để xác định các công đoạn trong chu kỳ canh tác rẫy.

Các nghệ nhân dân tộc Brâu thường xuyên giới thiệu với công chúng nét văn hóa của dân tộc mình mỗi khi đến thăm hoặc tham gia biểu diễn nhiều nơi trên cả nước. Mỗi thôn thành lập được một đội nghệ nhân cồng chiêng và một đội múa xoang. Không gian văn hóa cồng chiêng, các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn được lưu giữ, đặc biệt, thôn Đăk Mế có 2 bộ cồng chiêng.

Gạo là lương thực chính của người Brâu (phần lớn là gạo nếp). Lương thực phụ là ngô, khoai, sắn; thức ăn là những món được nấu nướng một cách giản đơn. Thức uống thường ngày của người Brâu là nước lã, khi cử hành nghi lễ hoặc lúc sum vầy thì có rượu cần. Sản phẩm rượu ghè men lá của đồng bào dân tộc Brâu được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, chính quyền xã đang tiếp tục vận động đồng bào dân tộc Brâu lựa chọn những món ăn đặc trưng để nâng cao khả năng chế biến phù hợp với khẩu vị của khách tham quan, nhằm thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, người Brâu còn duy trì nghề truyền thống dệt thổ cẩm và nghề rèn.

Bà Võ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết: “Các chính sách hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng người Brâu và giúp thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia”.

Mong rằng, các cấp chính quyền tiếp tục có những chính sách đặc thù, hỗ trợ dân tộc ít người Brâu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Brâu nói riêng.

Thúy Hạnh