Gương sáng

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Hoàng Dương 13/04/2024 - 07:58

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu, Hoà Bình) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Anh Hưng bắt đầu làm những sản phẩm đầu tiên từ năm 2017 với nguồn thịt trâu, thịt lợn, thịt bò bản địa sẵn có, đảm bảo an toàn vệ sinh do được chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, chất lượng thơm ngon chuẩn vị "Tây Bắc”. Anh chia sẻ: "Mẹ tôi là người tạo cảm hứng và động lực cho tôi quyết tâm xây dựng mô hình. Từ khi tôi còn nhỏ mẹ đã làm món thịt gác bếp cho cả gia đình ăn. Trong ký ức của tôi đây là món ăn rất đặc biệt vì chỉ được làm vào những dịp lễ, Tết. Vì vậy mỗi khi được thưởng thức món thịt gác bếp do chính tay mẹ làm, tôi đã ấp ủ dự định sẽ tự mình phát triển món đặc sản của quê hương trong tương lai”.

dt_12420241011_z5322000357015_cdb2c74ac29d.jpg
Anh Hà Công Hưng, xã Mai Hịch (Mai Châu) giới thiệu sản phẩm thịt khô gác bếp.

Theo anh Hưng, để có món thịt gác bếp thơm ngon cần lựa chọn loại thịt tươi, cơ sở cung cấp thịt uy tín, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Phần thịt để gác bếp làm thịt khô chỉ nên lấy phần thịt vai, mông và đùi, nếu lấy phần ba chỉ khi gác bếp mỡ sẽ chảy hết. Đối với thịt lợn bản địa theo cách nuôi của đồng bào cũng thường có ít mỡ, thịt săn chắc, thơm và ngọt thanh nên khi chế biến làm thịt gác bếp có mùi vị rất đặc trưng.

Quá trình sơ chế cần loại bỏ gân, mỡ, tẩm ướp thịt với nhiều loại gia vị truyền thống của dân tộc Thái như: hạt dổi, mắc khén, tỏi, ớt, gừng… Đặc biệt phải sử dụng loại củi nhãn để hun, sấy sản phẩm mới giữ được hương vị đặc trưng. Quá trình sấy đảm bảo nhiệt độ thích hợp để tạo ra sản phẩm ngon nhất đến tay khách hàng. Nhờ đó mỗi miếng thịt trâu hoặc thịt lợn gác bếp có vỏ bên ngoài khô săn nhưng thớ thịt bên trong lại đỏ hồng, mềm dai không bị lẫn với các sản phẩm cùng loại khác. Ngoài ra, trong quá trình chế biến cũng không được sử dụng thêm bất kỳ loại chất bảo quản hay hóa chất nào ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh Hưng đã có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP. Với phương châm luôn chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất, nên hầu hết sản phẩm thịt gác bếp của cơ sở đều được khách hàng đánh giá cao. Mỗi năm cơ sở sản xuất từ 2,2 - 2,5 tấn thịt khô, giá bán lẻ đối với thịt trâu, bò gác bếp là 850 nghìn đồng/kg, thịt lợn 500 nghìn đồng/kg, đem lại doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.

Xác định con đường khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương có những thuận lợi và khó khăn nhất định, nhưng anh Hưng luôn nỗ lực từng bước đưa sản phẩm thịt gác bếp Mai Hịch trở thành sản phẩm OCOP. Anh Hưng chia sẻ thêm: Thành công bước đầu đạt được là nhờ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên xã Mai Hịch trong định hướng khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên. Với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn trong việc quảng cáo, tiếp cận khách hàng thông qua các homestay trên địa bàn và các trang mạng xã hội đã giúp sản phẩm được phổ biến rộng rãi hơn.

Đồng chí Hà Công Đạt, Bí thư Huyện Đoàn Mai Châu cho biết: Là Phó Bí thư Đoàn xã, anh Hà Công Hưng cũng là người đứng ra khởi nghiệp, khai thác được những thuận lợi của địa phương, sáng tạo, đổi mới trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Không chỉ là tấm gương cho đoàn viên, thanh niên học tập mà còn góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ lan tỏa sâu rộng.

Hoàng Dương