Ngược dòng sông hoa gạo đỏ
Sông Hồng mùa này bớt cuộn đỏ phù sa đổ về hạ nguồn, nhưng bờ sông lại rực cháy những chùm hoa gạo đỏ như thắp lửa, như tấm lòng người lính quân hàm xanh nơi thượng nguồn sông Mẹ.
Xe khởi hành từ Cốc Lếu, địa danh khởi nguyên từ “Coóc réo”, tiếng địa phương nghĩa là “Gốc gạo”. Ngắm hàng cây gạo bung những chùm hoa như những đốm lửa tung lên không trung ở con đường An Dương Vương đẹp nhất Lào Cai, tôi hình dung về vùng đất màu mỡ, trên bến dưới thuyền giao thương sầm uất nơi ngã ba sông Nậm Thi kết lưu với sông Hồng, ở đó quần tụ những cây hoa gạo đỏ rực từ thuở xưa để lưu tên đến bây giờ. Con phố Thủy Hoa thấp thoáng hàng cây gạo mới trồng đứng thẳng như những cột tiêu đỏ dẫn chúng tôi men bờ sông, qua Cửa khẩu Kim Thành rồi nhập vào tỉnh lộ 156 chạy ven bờ sông Hồng, qua những địa danh Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ, Trịnh Tường, Nậm Chạc ngược lên phía thượng nguồn ải bắc. Xe chạy đến Trịnh Tường, ở phía đầu Thác Tây, ngay lối vào thị tứ cây gạo lớn tỏa những chùm hoa đỏ như trùm lên cột mốc biên giới uy nghi, sừng sững bên dòng sông Hồng cuộn réo qua gềnh thác lô nhô như biển cạn. Thị tứ Trịnh Tường thay da đổi thịt như mơ. Nhà cửa xây cất, đường sá rộng mở, hai hàng cột đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, Trịnh Tường đã ra dáng phố thị lắm rồi, như cô gái yêu kiều miền sơn cước đang thức dậy khoe nhan sắc tinh khôi. Từ Nậm Chạc ngược lên, vun vút hai bên đường uy nghiêm và lộng lẫy hàng cây gạo đang cữ bung hoa soi sắc đỏ như lửa cháy xuống dòng sông Mẹ, thật thiêng liêng và hùng vĩ.
Xe dừng ở ngay lối rẽ vào Đồn Biên phòng A Mú Sung, mọi người lục tục xuống, nhưng cánh nhiếp ảnh thì ồ lên và thi nhau bấm máy. Sừng sững bên bờ sông biên giới, ngay lối vào cổng Đồn cây gạo lớn tủa vút lên không trung những bông hoa 5 cánh đỏ mầu cờ, như ngôi sao trên mũ người lính biên phòng trên đường tuần tra biên giới. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung hồ hởi như đón người nhà lâu ngày trở lại.
Đồn Biên phòng A Mú Sung được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài hơn 26 km thuộc địa bàn 2 xã Nậm Chạc và A Mú Sung với 4 cột mốc biên giới. Đây là 2 xã vùng cao, địa hình đồi núi phức tạp, núi cao vực sâu. Thời kỳ xảy ra chiến tranh biên giới, dân ly tán hết, có khi đi cả ngày đường không gặp nóc nhà nào. Bom mìn còn sót lại cũng nhiều và đặc biệt là không có nước sạch. Thiếu nước sạch ngay ngã ba nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt thoạt nghe như chuyện bịa. Nhưng để xuống sông gánh được nước lên dùng có khi phải đổ ngần ấy mồ hôi. Những người lính biên phòng là những người đến với dân đầu tiên ngay sau khi tắt tiếng súng đầu những năm tám mươi. Từ những ngày đầu lên với bản làng các dân tộc nơi biên giới cái gì cũng không có, đến bây giờ bà con mình nơi nào cũng có ăn có mặc, nhiều bản, nhiều hộ gia đình còn làm giàu được. Các bản dọc tuyến biên giới huyện Bát Xát và đặc biệt là xã A Mú Sung trước đây dân đói nghèo lắm. Cả làng, cả bản không có nổi cái ti-vi, chiếc xe máy nào. Thế là bộ đội biên phòng quyết tâm phải bằng mọi cách thay đổi đời sống bà con nơi đây.
Lũng Pô là một minh chứng sống động cho điều đó. Từ đồn A Mú Sung, chúng tôi ngược lên “đất mũi” Lũng Pô, doi đất nhô hẳn ra đường biên giới như mũi tên lao ngược dòng, ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt Nam ta. Đón ở ngay đầu thôn, vững chãi như cây táu mật đại ngàn, Bí thư chi bộ Ma Seo Lằng sải những bước dài hướng về ngôi nhà kiên cố vừa xây, còn tươi mầu sơn mới. Câu chuyện nổ như ngô rang, từ năm 2007, thực hiện Chương trình di dân ra biên giới phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, hàng chục hộ dân người H’Mông, Dao ở các xã của huyện Bát Xát, xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương tình nguyện chuyển về vùng đất mới, lập nên thôn Lũng Pô này.
Đồn biên phòng là điểm tựa ban đầu cho bà con khi mới về Lũng Pô định canh, định cư và lập nghiệp. Mười mấy năm, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung cùng chính quyền địa phương “ba cùng” hướng dẫn bà con trồng chuối, dứa, cam, xoài rồi chăn nuôi trâu bò, dê; quyết liệt bài trừ hủ tục lạc hậu; kiên trì bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới ở nơi địa đầu biên giới. Đến nay, Lũng Pô là điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ đường biên, mốc giới. Trong thôn không còn hộ đói, hộ nghèo giảm mạnh, nhiều hộ làm kinh tế giỏi đem lại thu nhập cao như Lò Mùi Khé, dân tộc Dao với mô hình chăn nuôi lợn, gà bản địa; Ly Seo Phẳng, Lù Seo Tỉn, đều là dân tộc Mông với mô hình trồng cây ăn quả, có thu nhập bình quân hơn 200-300 triệu đồng/năm, đời sống đổi thay rõ rệt. Bây giờ điện, đường, trường, trạm đã hiển hiện rõ nơi đất mũi Lũng Pô làm sáng cả một vùng biên giới. Lá cờ cột mốc Lũng Pô phần phật tung bay nơi vùng biên ải nghìn năm thấm máu những người con đất Việt. Có những người chiến sĩ biên phòng đã sinh cơ lập nghiệp đưa vợ con lên đây thấm thoắt trên hai mươi năm, gắn bó với vùng đất và con người nơi đây như máu thịt thân thương.
Không chỉ Lũng Pô, bà con ở các thôn biên giới như Y Giang, Tùng Sáng, Phù Lao Chải (A Mú Sung), Nậm Giang, Cửa Suối, Nậm Khoang, Suối Thầu (Nậm Chạc) không quên những người lính quân hàm xanh ngày cùng lên nương trồng chuối, thu hoạch dứa, trao con giống (bò, lợn) tận chuồng; tối đến mở lớp dạy chữ xóa mù, mang con chữ đến từng nhà, từng người. Trong 5 năm qua (2019-2024), Đồn Biên phòng A Mú Sung đã giúp 2 xã biên giới đổ đường bê-tông liên thôn, đổ sân nhà văn hóa; kết nối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 9 nhà đại đoàn kết cho người dân; trao tận tay hộ nghèo 38 con giống bò và lợn đen; vận động và thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trị giá hàng trăm triệu đồng. Phát triển kinh tế phải đi đôi với nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật. Đồn Biên phòng A Mú Sung phối hợp với Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Nậm Chạc rà soát và mở lớp xóa mù chữ buổi tối tại thôn Nậm Giang 2, với tổng cộng gần 50 học viên, chủ yếu là phụ nữ từ 16-60 tuổi. Có lẽ niềm vui lớn nhất của Thiếu tá Đinh Thái Đạt, người “thầy giáo mang quân hàm xanh” là được thấy những “học sinh 50-60 tuổi người H’Mông, người Dao lần đầu tiên biết đọc sách và viết được tên mình lên trang giấy trắng.
“Hằng ngày, sau giờ hành chính, tôi thường đi đến nhà các học viên để động viên bà con đến lớp, ai cần hỗ trợ công việc gì thì tôi sẵn sàng giúp đỡ. Từ đó, các học viên đều cố gắng thu xếp việc gia đình để đi học” - Thiếu tá Đạt chia sẻ. Tôi nghĩ những con số chỉ là định lượng để dễ hình dung thôi, mà nghĩ sâu về điều Chính trị viên Thắng nói rằng: Đồn đã phân công cho 25 đảng viên theo dõi, giúp đỡ 83 hộ gia đình/373 khẩu và giới thiệu 14 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 14 chi bộ thôn thuộc Đảng bộ 2 xã nơi Đồn đứng chân. Tôi hiểu đó mới thật sự là cái gốc lâu bền, là điểm tựa vững chắc, là nghĩa tình quân dân sâu đậm để xây dựng phên dậu đất nước bền chắc, hòa bình, hữu nghị.
Hôm chúng tôi đến đất mũi Lũng Pô, từ ngã ba tỉnh lộ 156 rẽ vào cột mốc 92, những cây gạo đỏ sắp thành hàng rực lửa bên bờ sông biên giới thật đẹp và lẫm liệt như chính những người lính biên phòng đang trấn ải nơi đầu nguồn biên giới. Dưới bóng lá cờ Tổ quốc rực đỏ tung bay nơi trạm tiền tiêu, tôi gặp Thiếu tá Ly Thó Xe, Đội trưởng trinh sát Đồn A Mú Sung phụ trách Tổ công tác biên phòng Lũng Pô, người con dân tộc Hà Nhì của đại ngàn Y Tý hùng vĩ, nơi khởi nguồn con suối Lũng Pô - còn có tên là Rồng Bố - chảy dọc đường biên Bát Xát, đổ ra nơi sông Hồng chính thức chảy vào Việt Nam, nhập tịch đất đai Tổ quốc hình chữ S. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng Sơn Tây, chàng sĩ quan trẻ trở về quê hương, hơn 20 năm cùng đồng đội từ những miền quê khác nhau in dấu chân tuần tra biên giới, thuộc từng gốc cây tảng đá, biết từng nhà rõ tên từng người như gia đình, như người thân của mình.
Năm ấy, Đồn phó Lý A Tờ, người con dân tộc Dao dũng cảm, ngoan cường chiến đấu cùng đồng đội và nằm xuống hòa vào đất đai Nậm Mít thì nay Đội trưởng trinh sát dân tộc Hà Nhì, người con của quê hương Bát Xát anh hùng ngày đêm bám bản, bám dân để làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới; bám đường biên mốc giới để gìn giữ và bảo vệ vẹn nguyên đất đai Tổ quốc. Họ là những “cột mốc đỏ” nơi đầu nguồn dòng sông hoa gạo đỏ thân thương...!