Chiến thắng Điện Biên Phủ qua các tác phẩm văn học nghệ thuật
“Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng...”. Tròn bảy thập kỷ đã đi qua, nhưng đề tài về chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng những địa danh lịch sử gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận để các thế hệ văn nghệ sĩ Sơn La sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.
Trên con đường huyết mạch lên chiến trường Điện Biên năm xưa, có một địa danh đã lưu vào sử sách, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong hồi ký của mình: “Bất cứ ai, con đường nào đi lên Điện Biên đều phải qua đây...”, đó là Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, vị trí giao nhau giữa quốc lộ 6 và quốc lộ 37, là cửa ngõ duy nhất, quan trọng trên con đường vận chuyển nhân lực, vật lực cho chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh của 100 chiến sĩ, thanh niên xung phong đã kiên cường bám trụ, mặc mưa bom, bão đạn của quân thù để thông đường cho những đoàn quân lên chiến trường. 70 năm đã trôi qua, song những ký ức về những ngày khốc liệt đó vẫn được tái hiện lại một cách sinh động qua những sáng tác nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Sơn La.
Trong đó nổi bật là mảng hội họa với các tác phẩm “Giữ vững tuyến đường giao thông” của họa sĩ Lò An Việt; “Ngã ba Cò Nòi - bản anh hùng ca bất tử” của họa sĩ Lê Chương; hay “Thiêng liêng Cò Nòi” của họa sĩ Cà Kha Sam... Hầu hết các tác phẩm hội họa về đề tài Điện Biên Phủ - Ngã Ba Cò Nòi đều được các tác giả thể hiện bằng hình ảnh sinh động với gam màu đặc biệt, mang lại cho người xem những giá trị thiêng liêng, sự hy sinh anh dũng của những thanh niên xung phong nơi tuyến lửa ngã ba Cò Nòi năm xưa.
Mảng thơ, truyện ngắn về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được văn nghệ sĩ Sơn La thể hiện qua nhiều tác phẩm nổi bật, như “Bên tượng đài Ngã ba Cò Nòi” của Nguyễn Thị Hồng Minh; “Cò Nòi bản anh hùng ca vang mãi” của Cà Thị Hoan; “Chảo lửa luyện vàng” của Trần Đại Tạo; truyện ngắn “Trái tim hoa đào” của Kiều Duy Khánh... Trong thơ tiếng dân tộc, từ những năm 60, nhà thơ dân tộc Thái Cầm Biêu đã xuất bản tập thơ “Peo hưa Mương Thành” - “Ánh hồng Điện Biên” với 34 bài cơ ngợi ca chiến thắng, khí thế hào hùng của quân và dân ta nhất, là đồng bào các dân tộc Sơn La trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, còn có tác phẩm “Bài ca sông Nậm Rốm” của nhà văn Vương Trung; “Mường Thanh anh hùng” của nhà thơ Lò Văn Cậy... với nội dung sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết và những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc Sơn La trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhà văn Kiều Duy Khánh, hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La, chia sẻ: Thế hệ chúng tôi không được tận mắt chứng kiến những hình ảnh hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ; tuy nhiên, qua câu chuyện của các cựu chiến binh kể lại, hay những tư liệu tại các địa danh, di tích lịch sử đã khơi gợi cho tôi niềm cảm hứng để sáng tác những tác phẩm văn học về đề tài này. Mong muốn truyền tải đến độc giả những câu chuyện về khí phách anh hùng của quân và dân ta, tôn vinh sự hy sinh của bao thế hệ chiến sĩ để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.
Từ năm 2023 đến nay, Tạp chí Suối Reo của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đã đăng tải 39 tác phẩm về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ của 27 tác giả thuộc nhiều chuyên ngành. Hoạ sĩ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La, cho biết: Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề và các trại sáng tác, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ đến với cơ sở, thâm nhập thực tế và khai thác tư liệu sáng tác các tác phẩm về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ. Đa số các tác phẩm đều có chất lượng tốt, mang giá trị sâu sắc về nội dung tư tưởng, nhất là lĩnh vực mỹ thuật với nhiều tác phẩm hội họa, tranh cổ động.
Đã 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, song những âm hưởng, hào khí trên con đường hành quân lên chiến dịch như vẫn còn vang vọng qua những sáng tác của các văn nghệ sĩ Sơn La. Những di tích gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, như Đèo Lũng Lô, rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin,... vẫn mãi là nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm với đa dạng thể loại, chuyển tải đến công chúng, góp phần tôn vinh chiến công vĩ đại của nhân dân ta, xây dựng nên tượng đài tinh thần, vinh quang bất diệt của dân tộc.