Cô giáo Ba Na và hành trình “giữ hồn dân tộc”
Với niềm đam mê nhạc cụ dân tộc, cô giáo HToanh - giáo viên môn Âm nhạc, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP Kon Tum) đã mở lớp dạy đàn T’rưng miễn phí cho các học sinh trong trường. Qua đó, giúp cho các em hiểu thêm về văn hóa và khơi dậy niềm tự hào, tình yêu đối với nhạc cụ dân tộc.
Từ niềm đam mê đến những lớp dạy đàn miễn phí
Với niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ và đặc biệt là nhạc cụ dân tộc, cô HToanh đã thi vào chuyên ngành Sư phạm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (nay là Trường Cao đẳng Kon Tum). Năm 2010, cô HToanh tốt nghiệp và được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Kon Tum) cho đến nay. Nhiều năm qua, cô vẫn âm thầm cống hiến và truyền dạy tình yêu nhạc cụ dân tộc cho các em học sinh trong trường.
Cô HToanh cho biết, phần lớn học sinh của trường là người Ba Na nhưng không em nào biết chơi nhạc cụ dân tộc. Điều này khiến cô luôn trăn trở và rồi quyết định mở lớp dạy nhạc cụ miễn phí cho các em. “Tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn hóa dân tộc Ba Na. Từ khi còn nhỏ, tôi được cha cho tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Kể từ đó niềm say mê, yêu thích những thanh âm ngân nga, trầm bổng của đàn T’rưng đã nhen nhóm cho tôi. Nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình nên tôi không thể mua đàn để học. Vì vậy mãi khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi mới sở hữu một bộ đàn T’rưng cho riêng mình. Đến nay tôi đã thuộc lòng hơn 20 - 30 bài diễn tấu từ đàn T’rưng” - cô HToanh chia sẻ.
Cứ đều đặn sáng thứ 5 hằng tuần, từng tốp 20 - 30 em học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 đứng xếp hàng ngay ngắn để được cô HToanh hướng dẫn cách chơi đàn T’rưng. Để hỗ trợ tốt cho công tác giảng dạy, cô đã bỏ ra số tiền 6 triệu đồng để mua một bộ đàn T’rưng. Mặc dù tốn kém, nhưng cô luôn vui vẻ vì đang truyền đi ngọn lửa đam mê nhạc cụ dân tộc truyền thống cho các thế hệ tương lai.
Mang tình yêu nhạc cụ dân tộc đến với các em học sinh
Dưới sự chỉ bảo tận tình của cô HToanh, nhiều học sinh đã bộc lộ được năng khiếu và có thể trình diễn các tiết mục tại trường. Cô luôn chỉ dạy cẩn thận từ những bước căn bản nhất để các em có thể nắm được nhạc lý, lẫn cấu trúc của đàn T’rưng. Cô cũng kết hợp với các câu chuyện lịch sử để các tiết học trở nên hấp dẫn, thú vị.
Em Y Mina - lớp 5B, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu phấn khởi nói: “Lúc đầu, em thấy học đàn T’rưng tương đối khó, nhưng sau thời gian học cùng cô HToanh thì em đã đánh được rất nhiều bài. Trong các buổi văn nghệ của trường, em đã tự tin tham gia biểu diễn và nhận được sự cổ vũ, khen ngợi của thầy, cô giáo. Nhờ cô HToanh truyền dạy mà em càng cảm thấy yêu thích nhạc cụ dân tộc mình”.
Bên cạnh dạy đàn T’rưng miễn phí, cô HToanh còn kết hợp với các nghệ nhân trong làng để mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho toàn bộ học sinh trong trường.
“Mỗi lần lên lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho học sinh, tôi thấy rất vui. Vui vì các em còn đam mê âm nhạc, nhạc cụ truyền thống của dân tộc và có cơ hội tiếp xúc khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường” - cô HToanh cho biết.
Cô Trần Thị Quế Trâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - nhận xét: “Cô HToanh là một giáo viên yêu nghề mến trẻ, chuyên môn vững vàng, không chỉ tham gia tốt công tác giảng dạy ở lớp mà còn đam mê nhạc cụ dân tộc. Nhiều năm qua, cô đã truyền lửa tình yêu âm nhạc, chia sẻ những hiểu biết về nhạc cụ dân tộc cho học sinh trong trường. Qua đó, tạo được sự gắn kết học sinh với nhau, tăng cường sự giao lưu và khơi dậy niềm tự hào, tình yêu đối với nhạc cụ dân tộc”.