Gương sáng

Người làm báu vật ở làng then

Phạm Ngọc Chuẩn 11/04/2024 - 21:03

Nghệ nhân Ma Đình Sung, ở xóm Đá Bay, xã Bình Yên (Định Hóa, Thái Nguyên) không chỉ hát hay, đàn giỏi mà còn chế tác được đàn tính phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Tày, Nùng trong vùng. Chính vì thế, ông được nhiều người ví von là người làm ra báu vật ở làng then. Bởi, cây đàn tính ông làm thể hiện được trường độ - âm vực có thể đạt tới ba quãng tám, tức là loại đàn tính tốt nhất.

398-202404111015101.jpg
Nghệ nhân Ma Đình Sung hướng dẫn cho cháu nội “làm chủ” cây đàn tính.

Từ thuở nằm nôi đã được mẹ ru hời bằng câu then, tiếng tính, nhưng lên 9 tuổi, ông Sung bắt đầu bập bẹ với những bài then cổ và then mới. 12 tuổi ông nhận thức rõ hơn, then không thể hát chay như hát ví, mà luôn được thực hiện trên nền âm hưởng của cây đàn tính. Tiếng đàn, tiếng hát quyện hòa mang khiến người xem, người nghe hăng hái nhập cuộc. Từ nhận thức được giá trị của cây đàn tính trong việc thực hiện nghi lễ, và các đêm then, nên ông Sung sớm có ý thức học cách làm đàn tính.

Ông sung kể: Thuận lợi là ông nội tôi, cụ Ma Đình Kết làm đàn tính có nghề. Nhưng, cụ để tôi mày mò tự làm đến gần chục cây đàn có âm hưởng như “đấm vào tai” mới cười phúc hậu, bảo: Con thực sự có đam mê thì ông truyền cho bí kíp làm đàn tính. Bài học đầu tiên cụ dạy: Làm đàn tính, ngoài sự kiên trì còn đòi hỏi người thợ có đôi bàn tay khéo léo và sự thẩm âm của đôi tai. Cụ bảo với tôi: Đây là một thứ nghề đặc biệt còn quan trọng hơn cả tiền bạc, vì công việc của người thợ là gìn giữ, lưu truyền, bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa truyền thống của dân tộc.

Trong lúc trò chuyện với tôi, đôi tay ông vẫn cầm nạm bào khéo léo vuốt dọc theo thanh gỗ thừng mực. Ông nói như khoe: Tôi được cụ truyền dạy cho làm đàn cẩu căm (9 nắm) và đàn chất căm (7 nắm), tức cần đàn dài đủ 9 hoặc 7 nắm tay. Đàn cẩu căm thường được sử dụng trong các nghi lễ của đồng bào Tày, Nùng; đàn chất căm dùng trong ca hát văn nghệ. Trông đàn đơn giản, nhưng phải mất 5 ngày liên tục tôi mới dám nói là hoàn thiện được 1 chiếc.

Đàn làm ra là để biếu, cho, tặng người thích hát then, nhất là người biết chơi đàn tính. Bù lại, người nhận đàn cho ông con gà, chai rượu. Có người đến nhà chơi, cầm cây đàn tính, đi một đường then cổ đã thấy mê mến nhau, ông tặng luôn cho cây đàn vì người hát được then cổ thường là bậc thầy trong làng then. Ông chia sẻ: Đàn tính gồm các bộ phận cơ bản: Bầu đàn, cần đàn, mặt đàn, ngựa đàn và dây đàn… Nhưng, để có một cây đàn chuẩn dáng, chuẩn âm, ngoài vật liệu tốt còn cần sự tỉ mẩn của người thợ.

Gỗ thừng mực làm cần đàn không bị cong vênh; bầu đàn là quả bầu khô có dáng đẹp; mặt đàn làm bằng gỗ cây dâu; ngựa đàn (bộ phận kê dây phối khí) làm bằng sừng trâu... Tất cả đều mỏng manh, dễ gẫy, dễ vỡ nên khi làm đòi hỏi ở người thợ có đôi bàn tay khéo léo, vì mạnh tay một chút là phải vất bỏ, làm lại từ đầu. Ví như ngựa đàn phải dùng dao sắc gọt nạo, tạo thành 2 chân đế. Chân đế phải loe tròn giống vòi con đỉa đặt bám vào mặt đàn. Giữa mặt đàn và vỏ bầu được gắn kết bằng nhựa củ nâu, những năm gần đây được gắn kết bằng keo tổng hợp. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện thủ công.

Việc nhà nông bận rộn, nhưng cứ rảnh tay là ông làm đàn, treo dọc bên hiên nhà. Năm 2007, một cán bộ của ngành văn hóa tỉnh qua đường nhìn thấy, vào đặt mua liền lúc 10 cây đàn với giá 80.000 đồng/chiếc. Từ đó, ông nhận ra, việc làm đàn tính cũng mang lại thêm thu nhập cho gia đình nên càng tích cực hơn. Ông khề khà: Gần 20 năm làm đàn phục vụ nhu cầu xã hội, tôi đã làm ra khoảng 1.000 cây đàn tính. Với 2 loại đàn: Một dùng để phục vụ nghi lễ then và nghệ nhân hát then. Loại đàn này đòi hỏi tỉ mẩn, kỳ công không chỉ đẹp mà khi dùng đàn cất lên thanh thoát. Hai là đàn làm bán cho khách du lịch, chỉ cần dáng đẹp, bóng bẩy, gẩy phát lên được âm thanh là “Tây” cũng thích.

Làm ra “báu vật” cho làng then, ông còn là người thầy dạy hát then, dạy đàn tính cho nhiều người trong, ngoài tỉnh. Ông khoe: Dạo nọ về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) để tham gia hoạt động gìn giữa bản sắc văn hóa dân tộc Tày, tôi mang theo hơn chục cây đàn tính loại tốt. Nghệ nhân hát then, đàn tính ở các tỉnh đến giao lưu, không trả lại đàn, họ ấn vào tay tôi 1 triệu đồng/cây đàn tính. Tôi cũng thấy vui, vì qua đó, tiếng tính từ cây đàn tôi làm sẽ nâng câu then đi đến các mường trời, mường đất ở nhiều vùng trên đất nước.

Phạm Ngọc Chuẩn