Hàng nghìn hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình là chừng ấy câu chuyện nhuốm màu thời gian. Phía sau những hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử này là biết bao cống hiến miệt mài và cả những hy sinh khó lòng đo đếm của các cán bộ tại đây. Cùng với việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, cán bộ làm công tác kiểm kê, bảo quản hay thuyết minh viên của bảo tàng là những con người lặng lẽ níu giữ thời gian, góp phần phát huy giá trị của hiện vật.
Níu giữ thời gian
Một ngày làm việc của chị Phan Thị Hằng và những đồng nghiệp tại Phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình thường bắt đầu bằng việc mở các kho hiện vật để lau chùi, sắp xếp. Đó chỉ là một trong rất nhiều những công việc của một cán bộ kiểm kê, bảo quản hiện vật như chị Hằng. Hơn 20 năm gắn bó cùng nghề là chừng ấy thời gian chị thức ngủ cùng những hiện vật nhuốm màu xưa cũ, cũng là bao nhiêu vất vả, khó nhọc mà chỉ người trong cuộc mới tường tận, thấu tỏ.
Từ việc kiểm kê, đánh số hiện vật hay đánh giá, phân loại theo chất liệu đến việc thực hiện các khâu vệ sinh, bảo quản hiện vật… tất cả đều đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng. Nhưng trên tất cả, muốn làm tốt, phải xuất phát từ niềm đam mê và tình yêu đặc biệt dành cho những hiện vật đi cùng năm tháng.
Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình hiện có 3 cán bộ đảm nhận nhiệm vụ kiểm kê, bảo quản hiện vật. Họ đều gắn bó cùng công việc lặng thầm này hơn 20 năm qua. Theo chị Phạm Thị Thúy Nga, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, hiện vật sau khi được sưu tầm về, sẽ được thực hiện qua nhiều bước kiểm kê, phân loại theo chất liệu. Điều đáng nói, hiện các khâu của công tác này như vào sổ kiểm kê hiện vật bảo tàng, sổ phân loại hay các loại phiếu kiểm kê khoa học, phiếu niên đại… chủ yếu thực hiện bằng các biện pháp thủ công nên đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng khâu, từng bước, cũng đồng nghĩa với sự vất vả càng nhân lên.
Ngoài kiểm kê, công việc thường xuyên của các chị là bảo quản hiện vật, việc mà những đồng nghiệp thường ví von là “níu giữ” thời gian, “kéo dài” tuổi thọ cho hiện vật. Công việc này càng cần sự cẩn trọng, chịu khó khi mà mỗi chất liệu phải được bảo quản bằng nhiều phương pháp khác nhau: Chống mối mọt cho đồ gỗ, đồ giấy; chống rỉ sét cho kim loại; chống các tác nhân gây hại khác…
Để giữ được độ bền của hiện vật, cán bộ làm công tác bảo quản thường xuyên phải sử dụng đến hóa chất nên cán bộ làm công tác này cũng đối diện với bao nhiêu độc hại. Chỉ mỗi việc hàng ngày bước vào các kho với hàng nghìn hiện vật, đủ mùi hỗn tạp, nhất là mùi hóa chất ở kho kim loại cũng đủ ảnh hưởng đến sức khỏe. “Vất vả chứ! Cả mấy chị em có ai là không bị các bệnh về mũi họng đâu nhưng làm lâu dần rồi cũng quen, rồi yêu và đam mê lúc nào chẳng rõ? Giờ nhìn hiện vật nào chúng tôi cũng tường tận gốc gác, từng câu chuyện xoay quanh nó”, chị Hằng chia sẻ.
Yêu nghề, tỉ mẩn cùng nghề nhưng nếu không có cái tâm trong sáng, không vụ lợi và mong mỏi được góp phần phát huy giá trị của mỗi hiện vật thì khó lòng bước tiếp trên hành trình không thiếu những vất vả này. Từ chỗ 10 cán bộ, rồi xuống còn 7 cán bộ, giờ, khi số lượng hiện vật ngày một nhiều hơn, khối lượng công việc càng tăng lên nhưng số người đảm đương nhiệm vụ kiểm kê, bảo quản hiện vật chỉ còn vỏn vẹn 3 người.
Chị Hằng chân tình bảo: “Điều khiến chúng tôi trăn trở là chỉ vài năm nữa, chị em sẽ lần lượt về nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng đến giờ, vẫn chưa có lớp trẻ kế cận để truyền nghề, trong khi công việc này đòi hỏi cần nhiều thời gian để tiếp cận, tìm hiểu và bồi đắp tình yêu với nghề”.
Cùng hiện vật kể chuyện
Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình Mai Thế Trung chia sẻ rằng, mỗi hiện vật, tài liệu cũng có số phận như một con người, có ngày sinh, sự hiện hữu và nhiều tích chuyện. Ở bảo tàng, mỗi cán bộ có một nhiệm vụ riêng nhưng đều hướng đến việc “đánh thức” giá trị của từng hiện vật. Trong sáu công tác quan trọng của bảo tàng, kiểm kê được coi như là “bộ não”, bởi thông qua công tác này mới bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, khoa học cho hiện vật thì thuyết minh chính là sự kết nối giữa hiện vật với công chúng. Thuyết minh viên chính là người hướng dẫn, giải thích, tạo mối liên kết đầy đủ, chính xác giữa những hình ảnh, hiện vật với những thông tin bổ ích ẩn chứa trong đó, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị của mỗi hiện vật, hình ảnh.
Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình hiện đang trưng bày, bảo quản hơn 14.000 hiện vật cùng nhiều tranh, ảnh. Năm 2023, bảo tàng đã sưu tầm được gần 390 hiện vật, tư liệu, tư liệu ảnh, trong đó có gần 190 hiện vật; đón trên 45.000 lượt khách đến tham quan, thưởng lãm, đạt 150% so với kế hoạch.
Từ năm 2019, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình mở cửa đón khách tham quan. Mỗi ngày đón hàng chục, hàng trăm lượt khách đã tạo một áp lực công việc không nhỏ cho đội ngũ thuyết minh viên, nhất là trong mùa cao điểm du lịch, lễ hội. Khách đến bảo tàng đủ mọi đối tượng, lứa tuổi, đòi hỏi thuyết minh viên không đơn thuần là “thợ nói”, “thợ thuyết minh”, dựa hoàn toàn vào văn bản mà phải thực sự “thổi hồn” vào từng bài giới thiệu.
Mỗi hiện vật là một câu chuyện. Muốn câu chuyện ấy thêm sinh động, thuyết minh viên phải không ngừng tự nghiên cứu, tìm kiếm từ nhiều nguồn thông tin, tư liệu nhưng vẫn bảo đảm tính xác thực và các yếu tố lịch sử. “Chúng tôi học hỏi từ sách báo, tài liệu, từ đồng nghiệp và học hỏi từ chính khách tham quan. Sự tương tác giữa người thuyết minh và du khách cũng là cơ hội để chúng tôi cập nhật thêm kiến thức, hoàn thiện các bài giới thiệu và làm mới chính mình”, anh Nguyễn Tiến Dũng, thuyết minh viên tại bảo tàng cho biết.
Hàng năm, lượng du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu tại bảo tàng ngày càng đông. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, thuyết minh viên tiếng Anh tại bảo tàng cho hay, thuyết minh tiếng Việt đã khó, thuyết minh bằng tiếng Anh càng đòi hỏi khắt khe hơn. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để chị được tiếp xúc, giao lưu và học hỏi từ những người khách nước ngoài nhiều kiến thức bổ ích. Cũng nhờ đó, chị hiểu thêm được ý nghĩa công việc của một thuyết minh viên khi trở thành sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đưa du khách trở về gần hơn với lịch sử dân tộc.
Chị Thảo kể: “Tôi nhớ mãi kỷ niệm một lần được thuyết minh cho một vị khách trẻ là thân nhân của cựu binh Mỹ. Khi nghe những câu chuyện về sự khốc liệt của chiến tranh, nhìn ngắm hiện vật từ thời chống Mỹ, anh đã bật khóc. Anh bảo rằng chiến tranh là điều vô nghĩa”.
Niềm vui giản dị của những người làm công tác thuyết minh bảo tàng chính là kết nối hiện vật với du khách, kể nên câu chuyện của những hiện vật tưởng như khô khan. Hạnh phúc của họ là được nhìn thấy những đôi mắt long lanh, chăm chú lắng nghe câu chuyện quá khứ, nhất là ở những người khách trẻ tuổi-những người thường được mặc định là lãng quên, quay lưng với lịch sử cha ông. Góp một chút công sức nhỏ bé để người trẻ hiểu hơn về lịch sử, đó là lúc anh Dũng, chị Thảo và những đồng nghiệp nhận ra ý nghĩa của công việc đang làm.