Giúp người dân tạo sinh kế bền vững
Với phương châm “dạy những cái người dân cần”, thời gian qua, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.
Cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Chớ A Hảng ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ mở được 5 năm nay và lúc nào cũng đông khách. Khách hàng chủ yếu là người dân trong xã và các xã lân cận như: Bản Công, Bản Mù, Hát Lừu... Anh Hảng là học viên lớp dạy nghề sửa chữa xe máy do Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu mở từ năm 2017.
Anh Hảng cho hay: "Sau khi học xong tại Trung tâm, mình đã đi làm cho một số cửa hàng sửa chữa xe máy ở thị trấn để nâng cao tay nghề rồi mới về mở cửa hàng riêng ngay tại nhà để phục vụ người dân. Lượng khách đến sửa xe máy trung bình mỗi ngày từ 5 - 8 xe. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi tháng mang về cho gia đình nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng. Dự định sẽ mở rộng cửa hàng nên mình mong muốn được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ cho công việc”.
Với ông Thào A Say ở bản Sán Trá, xã Bản Công, sau khi kết thúc lớp học nghề ngắn hạn, ông đã biết vận dụng kiến thức để trồng nấm sò. Nhờ tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm và điều kiện khí hậu phù hợp, nấm của gia đình đã sinh trưởng và phát triển tốt, không chỉ giúp gia đình ông có thêm nguồn thực phẩm mà còn có thể bán ra thị trường.
Ông Say cho biết: "Tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng, bảo quản và sơ chế nấm dù chỉ trong 1 tháng thôi, nhưng mình đã được học lý thuyết kết hợp thực hành, nắm được các kỹ năng về lựa chọn, vệ sinh, sử dụng các thiết bị, dụng cụ, vật tư, nguyên liệu và nuôi trồng nấm đúng yêu cầu kỹ thuật. Mình nhận thấy việc đi học nghề rất tốt vì khi có kiến thức khoa học kỹ thuật thì làm việc gì cũng dễ. Do vậy, mình nghĩ để làm kinh tế gia đình hiệu quả thì cần phải học nghề”.
Với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện vùng cao Trạm Tấu xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho bà con. Thời gian qua, Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã, thị trấn, tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí và vận động các thành viên của mình tham gia học nghề. Đặc biệt là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, lao động nông thôn không có điều kiện kinh tế được tham gia các lớp học nghề theo nhu cầu và được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.
Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Trạm Tấu đã đào tạo cho 3.706 người, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn là 1.470 người, đào tạo nghề theo hình thức xã hội hóa, liên kết đào tạo là 2.236 người, tập trung vào các lĩnh vực: hướng dẫn viên du lịch, chăn nuôi - thú y, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng ngô, kỹ thuật trồng lúa... Đến nay, tỷ lệ có việc làm đối với những học viên học nghề nông nghiệp đạt 100%, hầu hết tự tạo việc làm tại gia đình, địa phương. Đối với những học viên học nghề phi nông nghiệp như: xây dựng, điện dân dụng, chế biến chè… tỷ lệ có việc làm đạt từ 60-70% trở lên và có thể tự tạo việc làm tại hộ gia đình, tham gia xây dựng tại các tổ, đội công trình xây dựng trong huyện.
Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu đánh giá: "Có thể thấy, thông qua các lớp đào tạo nghề đã giúp cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS được trang bị những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt để có thể áp dụng trực tiếp vào thực tế của gia đình, tạo điều kiện giúp các hộ khó khăn nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây cũng là "chìa khóa” để giúp đồng bào DTTS có cuộc sống tốt hơn và địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững".
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, việc làm chuyển dịch cơ cấu lao động, tư vấn việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh tuyển sinh đào tạo nghề, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động… Phấn đấu trong năm 2024, trên địa bàn huyện sẽ có 860 người được đào tạo nghề. Trong đó: trình độ cao đẳng 70 người, trung cấp 150 người, còn lại là trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng (đào tạo lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 40%); tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn huyện đạt 61,9%, giải quyết việc làm cho 690 lao động…