Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số
Một trong 5 nội dung quan trọng của Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 -2025 là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá DTTS. Để thực hiện, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã xây dựng nhiều mô hình, hoạt động của phụ nữ dân tộc gắn với nâng cao đời sống hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.
Thành lập các câu lạc bộ của phụ nữ DTTS
Thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) có 100% hội viên phụ nữ là người dân tộc Dao. Trước đây, các chị chỉ tập trung lao động sản xuất, ít quan tâm đến việc duy trì, phát triển nghề thêu trang phục dân tộc vốn có từ bao đời. Triển khai Dự án 8, tháng 4/2022, Hội LHPN huyện Sơn Động chỉ đạo Hội LHPN xã thành lập câu lạc bộ (CLB) “Thêu trang phục dân tộc Dao” nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Được hỗ kinh phí thành lập, mua sắm dụng cụ và kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nên chị em trong thôn rất phấn khởi.
Hằng tuần, các thành viên CLB tập trung ở nhà văn hóa chia sẻ cách thức, kinh nghiệm thêu, chăm lo đời sống gia đình. Khi sinh hoạt CLB, các chị đều mặc trang phục dân tộc, khôi phục nét đẹp truyền thống đã mai một trước đó, ý thức bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc của hội viên ngày càng nâng lên. Nhờ những kinh nghiệm chia sẻ với nhau, sản phẩm do các chị làm ra ngày càng đẹp, tinh xảo hơn, được nhiều người ưa chuộng, góp phần tăng thu nhập gia đình. Sau hai năm thành lập, số lượng thành viên CLB tăng gấp đôi (gần 40 thành viên). CLB trở thành nơi sinh hoạt lành mạnh, giúp cải thiện cuộc sống phụ nữ dân tộc nơi đây.
Đối với các DTTS thì những bài hát đậm đà bản sắc dân tộc như hát Then của người Nùng, người Tày... không đơn thuần là nghệ thuật mà còn là nghi lễ tâm linh thiêng liêng. Các bài hát giúp người dân bày tỏ ước vọng với thiên nhiên, đất trời về mong muốn có cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu. Để gìn giữ, trao truyền vốn quý đó, Hội LHPN huyện Yên Thế đã chỉ đạo Hội LHPN các xã Canh Nậu, Đồng Vương thành lập những CLB hát Then.
Cứ vào mỗi thứ Bảy, 31 hội viên phụ nữ là thành viên CLB hát Then thôn Đồng Cả (Canh Nậu) lại cùng nhau tập luyện, hát những làn điệu Then, chơi đàn tính. Tuy điều kiện sinh hoạt của CLB còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê ca hát, mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các chị em động viên nhau cố gắng khắc phục. Người có kinh nghiệm hướng dẫn cho những người chưa biết, mọi người giao tiếp, trao đổi bằng tiếng dân tộc mình nên ai cũng hào hứng tham gia. Ban đầu nhiều chị chưa biết cách hát nhưng giờ hầu hết đều hát được nhiều làn điệu Then.
Cũng với mong muốn để tục hát Sloong hao của người Nùng ngày một phát triển, chị em Hội LHPN xã Tân Sơn (Lục Ngạn) đã mạnh dạn thành lập CLB với hơn 30 thành viên. CLB còn lập nhóm zalo để tổ chức giao lưu hát đối, thu hút đông đảo người dân các lứa tuổi trong xã, huyện có chung đam mê cùng tham gia. Không chỉ tại xã Tân Sơn, trên địa bàn huyện Lục Ngạn còn có nhiều CLB hát dân ca ở các xã Giáp Sơn, Biên Sơn, Kiên Lao, Quý Sơn, Đèo Gia, Phong Vân thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, người dân tham gia.
Bên cạnh duy trì các CLB hát dân ca, may, thêu trang phục dân tộc thì việc phát triển tiếng nói của các dân tộc cũng được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Nhằm giúp cho học sinh hiểu hơn về tiếng nói, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, Hội LHPN các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế phối hợp với các trường học tổ chức lồng ghép dạy và học tiếng dân tộc vào hoạt động CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở các trường THCS.
Em Nguyễn Hà Trang, học sinh lớp 9A2, thành viên CLB tiếng Tày, Trường THCS Vân Sơn (Sơn Động) cho biết: “Ở nhà em mọi người hầu như chỉ sử dụng tiếng Kinh nên em biết rất ít tiếng Tày. Khi tham gia CLB học tiếng Tày của trường, chúng em được cô giáo dạy thêm các từ mới và cách vận dụng vào một số hoàn cảnh phù hợp, tìm hiểu về ý nghĩa của việc bảo tồn tiếng nói dân tộc. Giờ đây em có thể nghe nói tiếng Tày cơ bản và hướng dẫn một số bạn mới tham gia CLB.”
Tham gia phát triển du lịch
Huyện Lục Ngạn có 8 dân tộc anh em sống đan xen tạo nên sự giao thoa, phong phú về văn hoá. Dịp đầu xuân, các phiên chợ đã trở thành ngày hội với chuỗi ngày du xuân của đồng bào. Đây là điểm hẹn truyền thống, không gian đậm sắc màu văn hóa của đồng bào được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, tập quán, dân ca. Vì vậy, dịp đầu xuân hằng năm, Hội LHPN huyện thường tổ chức các gian trưng bày của phụ nữ để quảng bá nét văn hóa độc đáo, sản phẩm đặc trưng của hội viên phụ nữ dân tộc tại các lễ hội. Qua đó, thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan các gian hàng; tham gia, cổ vũ hoạt động của phụ nữ.
Mang tiếng hát, làn điệu dân ca vào phát triển du lịch đã góp phần thu hút du khách tại các địa phương. Với mong muốn tạo cơ hội để phụ nữ DTTS tham gia các hoạt động văn hóa, KT - XH, Hội LHPN huyện Yên Thế đã tích cực phối hợp với các điểm du lịch tổ chức trải nghiệm văn hóa dân tộc dành cho du khách như: Mặc trang phục dân tộc Tày, Cao Lan, múa sạp, biểu diễn hát Then của người Tày, Nùng... Đơn cử tại xã Canh Nậu, năm 2023, CLB hát Then bản Trại Sông và CLB hát Then bản Đồng Cả đã tham gia biểu diễn 6 buổi tại điểm du lịch cộng đồng bản Ven. Qua đó, từng bước đưa bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và đặc trưng, giúp hội viên phụ nữ tăng thu nhập.
Để phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc, thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ người DTTS; cử cán bộ, hội viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy các loại hình dân ca. Cùng đó, hỗ trợ thành lập CLB mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB và tổ chức các đám cưới điểm ở huyện Lục Ngạn, Sơn Động nhằm khôi phục nét văn hóa, nghi lễ truyền thống tốt đẹp.
Đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Tiếp tục thực hiện các nội dung của Dự án 8 tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội LHPN tỉnh phối hợp với với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu đưa các nội dung thực hiện Dự án 8 vào Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Đồng thời, vận động hội viên tích cực tham gia hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc nơi cư trú; quan tâm, kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tuyên truyền, xây dựng các mô hình. Các hoạt động này góp phần vào mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2030, các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi huyện có từ 2-3 thôn, bản có đội văn nghệ biểu diễn bằng tiếng DTTS phục vụ cho du khách tại các điểm du lịch cộng đồng theo Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” của UBND tỉnh.
Để bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc, thời gian qua, các cấp hội trong tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ người DTTS; cử cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy các loại hình dân ca.