Những giá trị văn hóa truyền thống
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển, con người càng gần nhau hơn, sự giao lưu văn hóa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết qua các phương thức truyền thông. Dễ dàng nhưng không đơn giản.
Làm thế nào để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới mà vẫn khẳng định được bản sắc riêng? Cách nào để thúc đẩy người trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống và sẵn sàng lan tỏa nó như một trách nhiệm tự thân.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng: Các mạng xã hội là kênh truyền thông rất được giới trẻ sử dụng rất nhiều. Việc một số bạn trẻ làm video, clip đăng trên các nền tảng Facebook, TikTok, YouTube với nội dung quảng bá văn hóa vùng miền chứng tỏ thế hệ trẻ không hề quay lưng lại với văn hóa dân tộc. Việc làm này đang giúp những giá trị truyền thống của nước nhà có thêm sức sống trong bối cảnh mới. Vì thế chúng ta cần phải tìm cách để khơi dậy tình yêu đó.
“Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của một bộ phận bạn trẻ làm clip về nội dung này. Họ đã trở thành cầu nối, đưa văn hóa Việt Nam, văn hóa vùng miền, các dân tộc đến gần hơn với người xem. Cách làm như vậy rất đáng khích lệ và cần được nhân rộng. Bởi, Việt Nam là quốc gia có kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc.
Đây là tài sản vô giá của dân tộc. Nên nếu biết cách phát huy, tăng cường quảng bá văn hóa trên không gian mạng còn là cách để chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu và có thêm nhiều người nhận thức đúng đắn, hành vi tích cực với văn hóa đất nước.
Bất kỳ ai không có trong mình kiến thức về văn hóa quốc gia đều là những "bản sao mờ" thiếu sức sống, vong bản của văn hóa nước ngoài. Đồng thời, việc làm này còn góp phần lan tỏa giá trị sang những lĩnh vực kinh tế - xã hội khác”, ông Sơn nhấn mạnh.
Để giúp các bạn trẻ tiếp tục con đường quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trước hết, cần phải nâng cao nhận thức về di sản, để di sản có thể tiếp cận nhiều hơn đối với giới trẻ. Hiểu biết rõ hơn di sản của đất nước, họ có thêm động lực, quyết tâm gìn giữ di sản.
Đây là yếu tố quan trọng nhất. Khi họ hiểu, chúng ta cũng cần có hành động khuyến khích họ kể những câu chuyện về văn hóa vùng miền bằng chính cách của chính họ, thông qua các phương tiện truyền thông mới. Ngoài ra, chúng ta nên có thêm một số giải thưởng, sự kiện để tôn vinh những đóng góp này của giới trẻ đối với hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó cũng cần hình thành hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản và hoạt động giáo dục di sản. Chúng ta cũng cần có những ví dụ thực hành tốt về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, từ đó lan tỏa cách thực hành tốt cho toàn xã hội.
Để tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đầu tiên chúng ta cần thực hiện tốt các chiến lược liên quan đến vấn đề này như Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030.
Tiếp theo đó là xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hoá ra nước ngoài. Chúng ta cần chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức quảng bá văn hóa trên cơ sở đưa các quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.
Đồng thời, cũng cần phát huy hơn nữa tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia quảng bá văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.