Kinh tế

Giúp nông dân vùng khó khăn phát triển kinh tế

Nguyễn Yến 10/04/2024 - 06:40

Nhiều năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sơn La đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.

Bắc Yên là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, từ khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nhân dân đã đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, làm đời sống có nhiều chuyển biến.

can-bo-phong-giao-dich-ngan-hang-csxh-huyen-bac-yen-kiem-tra-su-dung-von-vay-de-phat-trien-chan-nuoi-tai-xa-muong-khoa_.jpg
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Yên, kiểm tra sử dụng vốn vay để phát triển chăn nuôi tại xã Mường Khoa.

Chị Lừ Thị Mai, bản Chẹn, xã Mường Khoa, cho biết: Gần 10 năm trước, gia đình tôi được vay vốn từ nhiều chương trình cho vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện. Năm 2020, sau khi thoát nghèo, gia đình tiếp tục được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, đầu tư mua 2 con trâu. Sau hơn 4 năm, đàn trâu phát triển lên 6 con. Từ tiền bán trâu, tôi trả bớt tiền gốc vay và mua thêm gà, vịt về nuôi, cuộc sống gia đình ổn định, kinh tế phát triển.

Không riêng gia đình chị Mai, tại huyện Bắc Yên đã có hàng nghìn hộ dân được vay vốn từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 150 hộ thuộc 13 xã được vay vốn chương trình với doanh số cho vay trên 10 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Yên, thông tin: Tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn, Phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn thủ tục vay vốn các hộ gia đình đủ điều kiện giải ngân vốn kịp thời. Tất cả các khâu cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm thực hiện ngay tại UBND các xã, giúp các đối tượng chính sách thuận tiện giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, đi lại. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả bớt gốc vay. Đến nay, doanh số cho vay chương trình tại huyện đạt trên 90,4 tỷ đồng với 1.920 khách hàng dư nợ.

Giúp các hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn có vốn sản xuất, từ mức cho vay ban đầu chỉ 30 triệu đồng/hộ vay, từ ngày 8/8/2023 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tăng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn lên tối đa 100 triệu đồng/người. Nâng mức cho vay đã tạo động lực giúp các hộ dân mạnh dạn vay vốn làm ăn, cải thiện đời sống, tạo tiền đề xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn.

Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, đơn vị đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH giao chỉ tiêu cụ thể từng địa phương. Trong quá trình triển khai, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể kiểm tra, giám sát, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, được sử dụng đúng mục đích, tạo điều kiện thuận lợi các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập. Đến hết tháng 3/2024, tổng dư nợ của chương trình đạt hơn 1.130 tỷ đồng với 23.644 hộ còn dư nợ, là chương trình có dư nợ lớn thứ 2, sau chương trình cho vay hộ nghèo.

Triển khai, thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, khẳng định sự đúng đắn, tính nhân văn của chương trình. Nguồn vốn tạo động lực, hỗ trợ để các hộ dân thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Nguyễn Yến