Gặp người dân công hỏa tuyến năm xưa
70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày “Khoét núi, ngủ hầm, mở đường...” để vận chuyển lương thực, đạn dược cho tiền tuyến vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những người thanh niên dân công hỏa tuyến năm xưa. Trong đó có ông Lường Văn Hương, bản Lạnh, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Tháng 3/1954, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông Hương cùng nhiều thanh niên trong xã xung phong đi phá đá, mở đường trên đèo Pha Đin. Ông Hương nhớ lại: Thời điểm ấy, không chỉ tham gia sửa đường, mở đường mà chúng tôi còn tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược và chuyển thương binh từ chiến trường về các trạm hậu cần để điều trị. Càng gần đến ngày đỉnh cao Chiến dịch, máy bay địch hoạt động càng ráo riết, chúng ném bom, bắn phá rất dữ dội, nên mọi công việc phải chuyển sang làm vào ban đêm. Chỉ huy đơn vị luôn động viên chúng tôi cố gắng làm thật nhanh để góp sức vào chiến dịch lịch sử này. Vì vậy, dù khó khăn, vất vả và nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau nỗ lực hết mình để tham gia mở đường, san lấp hố bom do địch bắn phá.
Ông kể tiếp: Đèo Pha Đin khi ấy gần như không một bóng cây vì sức tàn phá của bom đạn. Thực dân Pháp ngày đêm bắn phá ác liệt, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của ta. Bảo toàn tuyến đường qua đèo Pha Đin luôn thông suốt cho các đoàn xe đạp thồ, pháo binh, phương tiện, cứ đến tối là dân công, thanh niên xung phong, bộ đội cùng nhau sửa đường. Sau 20 ngày trực tiếp tham gia, tôi chuyển sang vận chuyển lương thực ở điểm Xuân Tre, huyện Tuần Giáo lên huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên. Việc vận chuyển lương thực cũng diễn ra vào ban đêm, mỗi người tham gia đều gánh 30 kg gạo. Tránh địch phát hiện, chúng tôi phải ngụy trang bằng lá cây rừng và di chuyển bằng đường mòn. Đến nơi an toàn và giao hàng xong chúng tôi quay trở lại căn cứ để chuẩn bị cho chuyến tiếp theo.
Với quyết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và thanh niên xung phong của ta ngày đêm bám trụ, vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo tuyến đường thông suốt. Nhớ về buổi chiều lịch sử 7/5/1954, ông Hương tự hào: Buổi chiều hôm đó, tôi và rất nhiều thanh niên, dân công tập trung cuốc đất, đá lấp hố bom tại khu vực huyện Mường Ẳng, khi nghe chỉ huy thông báo bộ đội ta chiến thắng, ai cũng vui mừng và hò reo. Bây giờ, các anh em đi dân công hỏa tuyến thời đó, nhiều người đã không còn nữa.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hương trở về địa phương. Năm 1970, ông tiếp tục tham gia vận chuyển lương thực từ điểm tập kết xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp sang huyện Mường Son, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Sau 3 tháng tham gia hoạt động, ông trở về địa phương. Đến năm 1973, ông Hương làm xã đội trưởng xã Tông Lạnh. Năm 1982, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh. Năm 1987, ông nghỉ hưu. Với những cống hiến trong chiến đấu, công tác, ông Hương được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã.
Dù tuổi đã cao, nhưng bây giờ, ông Hương vẫn luôn phát huy tinh thần của người “Chiến sĩ Điện Biên” nuôi dạy con cháu trưởng thành. Mỗi khi có dịp, ông lại tham gia các buổi gặp gỡ, giao lưu, kể chuyện để khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, viết thêm những trang sử hào hùng của dân tộc.