Văn hóa

Hội đình giữa bản làng đồng bào dân tộc

Phạm Học 08/04/2024 - 08:42

Đình làng là không gian văn hoá các làng xã của người Kinh dưới xuôi, đặc biệt là khu vực châu thổ đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, có một số ngôi đình rất đặc biệt nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất cần được quan tâm nghiên cứu.

Trong số những ngôi đình đó có 2 ngôi đình liên quan đến tín ngưỡng của người Tày. Điểm đặc biệt nữa là tuy nằm ở không gian cộng đồng của xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Tày sinh sống, ấy vậy nhưng đình làng Đồng Đình lại mang kiến trúc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo lời kể lại của một số cụ già trong xã, đình Đồng Đình không biết có từ bao giờ, chỉ nghe nói là có từ thời vua Gia Long (đầu thế kỷ XIX) do hai anh em ông quan người Kinh mang họ Lê từ dưới xuôi lên khai phá vùng đất này, sau khi hai ông mất, dân làng lập đình thờ hai ông làm thành hoàng làng.

Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Phong Dụ” tập 1, về mặt cấu trúc, đình Đồng Đình xưa được dựng bằng các loại gỗ quý, gồm 3 gian, 4 mái, 8 cột, 3 cửa. Gian thờ có các ô riêng dành cho các thày mo, ngồi theo thứ tự. Gian hậu cung thờ thần. Đình Đồng Đình tồn tại đến những năm 30 của thế kỷ XX, sau đó đình bị tàn phá do chiến tranh, mới được phục dựng trong những năm gần đây.

2049980_nghi_thuc_cuoc_ho_tra_hat_trong_le_hoi_dinh_lang_da_mo_ra_mot_nam_san_xuat_moi_the_hien_mong_uoc_mua_vu_boi_thu_13272030.jpg
Nghi thức cuốc hố, tra hạt trong Lễ hội đình Làng Dạ (Ba Chẽ) mở ra một năm sản xuất mới, thể hiện mong ước mùa vụ bội thu.

Lễ hội đình Đồng Đình có nhiều phong tục tập quán, hát dân ca và các trò chơi dân gian đan xen giữa miền xuôi và miền ngược. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hoá vừa thể hiện được tín ngưỡng hồn nhiên vào các lực lượng siêu nhiên, vừa thể hiện khát vọng có một cuộc sống yên bình, tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẻ cho nhau những buồn, vui trong cuộc sống bình dị của người nông dân miền núi. Đồng thời, lễ hội cũng thể hiện sự giao thoa văn hoá các vùng miền, giữa văn hoá đồng bằng Bắc Bộ với văn hoá các dân tộc miền núi Đông Bắc.

Tại Ba Chẽ có đến hai ngôi đình tương tự là đình Làng Dạ và đình Đồng Chức. Đình Làng Dạ ở xã Thanh Lâm là nơi thờ thành hoàng có công khai hoang lập làng. Lễ hội đình Làng Dạ được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của các dân tộc vùng cao Ba Chẽ. Lễ hội có các nghi thức như: Dựng cây nêu, cúng thành hoàng làng, rước kiệu bài vị thành hoàng làng, lễ dâng hương và lễ cuốc hố, tra hạt, thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống.

Đình Đồng Chức ở xã Lương Mông thờ Phạm Ngũ Lão và phối thờ Phạm Bá Tố, Phạm Quý Công do đã có những đóng góp lớn lao trong công cuộc khai phá ruộng đồng, tạo dựng xóm làng. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Lễ hội đình Đồng Chức và hội Lồng tồng là sản phẩm của văn hoá cộng đồng, kết tinh những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống là tập quán, tâm linh, tín ngưỡng, dân gian và là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Tày, Kinh, Dao... trên địa bàn.

Tại Bình Liêu, đình Lục Nà là nơi hình thành, lưu giữ và trao truyền những sinh hoạt làng xã, đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, du lịch... và trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Đình Lục Nà (xã Lục Hồn), xây dựng từ thời Hậu Lê để thờ thần linh, phối thờ thành hoàng làng là Hoàng Cần và được phục dựng năm 2006 trên nền ngôi đình cũ tại thôn Bản Cáu.

Với cuộc sống tự cung tự cấp, hoạt động sản xuất, chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên nên hình thành ở người dân niềm tin vào một thế lực siêu nhiên, có thể bảo trợ cho bản thân mình và cây trồng, vật nuôi của họ. Tín ngưỡng làng xã của người Tày ở Bình Liêu thể hiện niềm tin ở các vị thần để gửi gắm ước nguyện cuộc sống bình an, con người sinh sôi, mùa màng bội thu. Những vị thần được thờ đều có tên gọi chung chung, không phải một nhân vật cụ thể, thường là thiên thần. Với tâm thức tín ngưỡng, đồng bào các dân tộc toàn huyện vẫn đến dâng hương tại đình khiến cho ngôi đình Lục Nà vốn là công trình tín ngưỡng cấp xã đã trở thành công trình tín ngưỡng chung của cả huyện.

Trên tinh thần tiếp thu văn hóa, truyền thống nhớ ơn người có công với quê hương, nhân dân lập bài vị Hoàng Cần và phối thờ trong đình. Lễ hội đình Lục Nà hình thành từ tín ngưỡng làng xã của đồng bào dân tộc miền núi, được thực hành bằng hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đặc trưng là mo, then và lễ tế của người Tày.

Bên cạnh hai ngôi đình nói trên còn có một ngôi đền có vai trò giống như đình thờ thành hoàng làng Hoàng Cần nằm ở xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, nơi tập trung đông đảo cư dân người Sán Dìu. Theo những người cao tuổi, vào đầu thời Nguyễn, nhân dân xã Hải Lạng đã lập ngôi đền này. Ngôi đền nhỏ 3 gian ở thôn Hà Dong này bị hư hại trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đến năm 2012, ngôi đền mới có điều kiện xây dựng lại, gồm một tòa đại bái 5 gian, 2 chái, hai tòa giải vũ, hệ thống trụ biểu, hoành mã, hồ thủy tạ.

2185964_quang_canh_khong_gian_le_hoi_20513426.jpg
Lễ hội đình Lục Nà năm 2024. Ảnh: Vũ Tiến Dũng (CTV)

Sự tồn tại của những ngôi đình và lễ hội đình giữa bản làng dân tộc thiểu số thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công với bản làng, quê hương đất nước, sự phát triển của lịch sử cộng đồng, sự hòa quyện thiên nhiên - con người - văn hóa và khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là tài sản vô giá của các thế hệ, là cội nguồn sức mạnh trên hành trình xây dựng và bảo vệ quê hương.

Phạm Học