Người mang di ảnh
Tháng 8/2023, từ TP.Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Đoàn Văn Phúc đã tìm về quê của hai nữ liệt sĩ trong tấm hình mà ông đã mang theo suốt 51 năm qua. Nơi đó là vùng đông của huyện Thăng Bình, và hai nữ liệt sĩ ấy là những người đã từng cưu mang, chăm sóc, che chở khi ông bị thương trong một trận đánh năm 1972.
Năm 1969, chàng trai Đoàn Văn Phúc quê ở thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hăng hái lên đường nhập ngũ khi ông vừa tròn 18 tuổi. Cùng với hàng nghìn thanh niên miền Bắc ngày ấy, ông Phúc hành quân vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ.
Tháng 5/1970, ông được điều về C3 D74 pháo binh thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Đơn vị đóng quân ở Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên. Tháng 4/1972, Tiểu đoàn 74 tham gia đánh địch tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, trận đánh không cân sức, nên các đơn vị bộ đội của ta nhanh chóng rút quân về căn cứ tại dãy núi Dương Ba Đầu thuộc xã Kỳ Phước, huyện Tam Kỳ (nay là Tam Lộc, Phú Ninh).
Ông Đoàn Văn Phúc cùng một số chiến sĩ bị thương nên không thể hành quân cùng đơn vị về căn cứ. Ông được đưa về khu căn cữ lõm Bàu Bính, thôn 4, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (nơi tập trung thương bệnh binh). 7 ngày ở đây, ông Phúc được đội du kích bám trụ chăm sóc, rồi được đưa lên lại căn cứ. Trước khi chia tay, các nữ du kích đã tặng ảnh để kỷ niệm cho anh bộ đội đất Bắc.
Ông Phúc kể lại: “Ngày ấy, các em, các chị chăm lo cho tôi từng bữa ăn, bà con dành dụm thức ăn để cho thương binh ăn mau khỏe mạnh. Mà vùng này nằm ngay trong lòng địch nhưng bà con rất dũng cảm, kiên cường bám trụ để nuôi giấu ấu che chở chúng tôi. Nếu không có tình yêu thương của người dân ở vùng cát này thì chắc tôi không thể sống sót để trở về đơn vị. Khi chia tay có 4 nữ du kích tặng ảnh cho tôi, những bức ảnh đen trắng, khổ nhỏ nhưng tôi đã giữ mãi bên mình như báu vật”.
Sau 7 ngày ở lại khu căn cứ lõm Bàu Bính, Thăng Bình, ông Phúc được đưa trở lên đơn vị. Sau đó, ông nhận được tin hai trong số bốn nữ du kích tặng ảnh cho ông đã hy sinh. Em Trần Thị Mường hy sinh trong trận ném bom B57 của địch ngay giữa khu căn cứ lõm Bàu Bính, cả dân và du kích chết hơn 100 người. Tháng 10 năm đó, em Nguyễn Thị Kim Liên cũng hy sinh, em bị địch phục kích trên đường làm nhiệm vụ, chúng giết em một cách dã man, rồi gài lựu đạn vào người em để du kích của ta khi chôn em có thể bị nổ banh xác. Những cô gái hy sinh khi vừa mới mười tám xuân thì.
Lòng đau quặn thắt, nhưng ông Phúc không thể trở lại vùng đông Thăng Bình giữa lúc chiến sự ác liệt. Ông âm thầm tưởng nhớ các chị, mang theo hình ảnh các chị trong hành trang người lính qua khắp các chiến trường.
Năm 1982, ông Đoàn Văn Phúc vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống. Từ đó đến nay, ông đã trở về Quảng Nam nhiều lần, thăm từng chiến trường nơi ông đã chiến đấu, từng nơi ông đã đóng quân, rồi tìm về vùng đông Thăng Bình, đến từng xã để hỏi tung tích của những nữ du kích ngày xưa đã cưu mang ông.
Năm 2005, ông Phúc cũng đã tìm được những người còn sống trong đội du kích vùng đông Thăng Bình ngày ấy và ông đã đến từng nghĩa trang liệt sĩ nơi hai nữ du kích yên nghỉ, rồi đến tận gia đình các chị để tạ ơn. Trên bàn thờ các chị chỉ có bài vị, không có di ảnh nên khi trở về TP.Hồ Chí Minh, ông Phúc lần giở từng kỷ vậy đời lính, tìm kiếm những bức ảnh năm ấy.
Bẵng đi nhiều năm, đến tháng 8/2023 tình cờ ông thấy những bức hình còn vẹn nguyên ở giữa những trang nhật ký đời lính của mình. Vui mừng khôn xiết, ông Phúc sang thành hai bức ảnh lớn, đóng khung, rồi đặt ngay ngắn vào hành trang lên đường về Quảng Nam trao cho gia đình các chị.
Di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Thị Kim Liên ở xã Bình Giang và liệt sĩ Trần Thị Mường ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình đã về với gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thành - em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Kim Liên không ngờ gặp được chị qua di ảnh vẫn không phai màu năm tháng. Ông nói: “Hai người chị của tôi hy sinh khi còn rất trẻ, một chị được vẽ lại chân dung qua tưởng tưởng, còn chị Liên thì không có tấm ảnh nào. Cũng không ngờ ngày ấy chị vẫn có tấm hình mà mẹ tôi khi xem lại vẫn nói là đúng chị của ngày xưa. Mẹ tôi và cả gia đình mừng lắm, mẹ tôi hằng ngày ra vào cứ ngắm mãi cho đến khi mẹ qua đời”. Mẹ của liệt sĩ Trần Thị Kim Liên là mẹ Việt Nam anh hùng qua đời cuối năm 2023.
Còn ông Trần Công Thành, ở thôn Tân An, xã Bình Minh, thân nhân thờ liệt sĩ Trần Thị Mường đã xúc động khi đón nhận di ảnh của người chị họ. Khắp nhà ông Thành đều treo bằng Tổ quốc ghi công, bằng vinh dự mẹ Việt Nam anh hùng. Và tấm ảnh của liệt sĩ Trần Thị Mường được đặt trang trọng trên bàn thờ chính.
Con trai ông Trần Công Thành nói: “Ngày nay công nghệ AI có thể phục dựng hình ảnh của liệt sĩ, nhưng chỉ khi nhìn bức ảnh đen trắng được chụp từ cách đây nửa thế kỷ, thế hệ trẻ chúng tôi mới cảm nhận được sự giản dị, chân thật và xúc động khó tả”.
Với ông Đoàn Văn Phúc, được đưa di ảnh của hai nữ liệt sĩ về với gia đình, về với quê hương như điều duy nhất ông có thể trả nghĩa, tri ân phần nào sự hy sinh của các chị cho sự sống của ông, của bao người lính còn may mắn được trở về với hòa bình.
“Những tấm ảnh của các em, tôi luôn nâng niu cất giữ trong kỷ vật đời lính. Và mỗi khi lần giở, tôi vẫn không thể nào chợp mắt, kỷ niệm nơi xứ Quảng cứ hiện về rõ mồn một. Nơi đó là tất cả cuộc đời tôi, là quê hương thứ hai của tôi” - ông Phúc trải lòng.
Ở chặng cuối cuộc đời, người cựu chiến binh Đoàn Văn Phúc trở về Quảng Nam nhiều hơn. Bởi ở đó người dân vẫn đón chào ông như đón anh bộ đội giải phóng ngày xưa, ở đó có hai nữ du kích vẫn sống mãi với tuổi đôi mươi như bức chân dung không phai màu năm tháng. Ông Phúc thầm nhủ có lẽ họ giờ đã yên nghỉ cùng đồng đội, giữa rừng dương quê hương lộng gió.