Nằm bên bờ Linh Giang, bên cạnh Thọ Linh, Minh Lệ, La Hà, Thổ Ngọa... những tên làng đã khắc sâu vào tâm khảm người dân Quảng Bình về từng tên đất, tên người, địa linh nhân kiệt, thì vẫn còn đó làng Phù Kinh xưa (xã Phù Hóa, Quảng Trạch ngày nay), lưu giữ trong mình bao ẩn tích thời gian và nhất là 18 đạo sắc phong qua các triều đại còn được giữ vẹn nguyên, cùng hệ thống các đền, điện, miếu, nghè chứa đựng biết bao hồn cốt văn hóa. Vùng quê dẫu muôn vàn khó khăn này là một trong những địa phương còn giữ được nhiều đạo sắc phong trên địa bàn tỉnh, và biết đâu đấy, trong tương lai, nếu có kế hoạch, chiến lược dài hơi, nơi đây sẽ là di sản tư liệu được UNESCO vinh danh?
Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Phù Hóa, tập 1 (1930-2000), Phù Hóa tên tự làng là “Phù Kêênh”, sau này thường nói là Phù Kênh, viết là Phù Kinh. Làng có 8 xóm theo thứ tự từ Tây sang Đông là: Cấp Sơn, Thượng Thọ, Vĩnh Thọ, Trung Thọ, Phú Thọ, Hậu Thọ, Trường Cửu và Trường Cát (Cồn Rồng được nhập sau). Chữ “Phù” trong Hán Nôm có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là hỗ trợ, bồi đắp, phù sa. Phù Kinh là những cồn nổi do phù sa sông Gianh mà thành, bắt đầu lắng phù sa theo dòng nước vầy, khi bị cản bởi hòn Rú Vắp và lèn Rồng, sau đó qua năm tháng nối liền lại thành làng.
Vậy nên, chữ “Phù” ở đây được hiểu như là phù sa. Cũng có quan điểm cho rằng, trước kia làng có tên gọi Phù Kênh (nhiều kênh hoặc là vùng kênh giàu có), sau gọi lệch thành Phù Kinh... Dù với cách lý giải như thế nào, tên gọi Phù Kinh đã mang những ý nghĩa lịch sử lâu đời, gắn bó với quá trình xây dựng và hình thành nên làng quê giàu trầm tích văn hóa bên tả ngạn dòng Gianh.
Tương truyền, xưa kia, dân chúng ở Phù Kinh ít ỏi, thưa thớt. Hồi Trịnh-Nguyễn phân tranh trước và sau năm 1600, một số người ở Đàng Ngoài từ các tỉnh, như: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa di tản vào xin cư trú, sau đó sinh sống lâu dài. Những họ lớn của làng như họ Hoàng ở xóm Thượng Thọ dòng dõi cụ Hoàng Vĩnh Tộ, họ Trần dòng dõi của cụ Trần Nguyên Hãn vào cư trú tại xóm Trường Cửu, họ Nguyễn từ Bắc vào ở tại xóm Trung Thọ... Từ đó, hàng chục tộc họ đã định cư, làm ăn và sinh sống lâu dài ở vùng đất này.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Hóa cho biết, Phù Hóa là xã bãi ngang, vùng thấp trũng của gần hạ nguồn sông Gianh. Đầu xã có Lèn Rồng khiêm nhường mà vững chãi muôn đời lung linh soi bóng nước. Địa hình của xã nằm bên bờ sông Gianh nên chịu sự tác động thường xuyên của thủy triều, lũ lụt. Mùa nước lớn từ thượng nguồn đổ về bị Lèn Mũi Hôn chấn dòng nên nước dâng cao, đa phần khi lụt lên cấp báo động 3 là cả xã sẽ bị chìm trong biển nước. Dù khó khăn về thiên tai như vậy, nhưng người làng Phù Kinh vẫn giữ trọn vẹn 18 đạo sắc phong qua bao biến thiên của thời cuộc.
Trước khi được lưu giữ ở trụ sở UBND xã Phù Hóa như hiện nay, các đạo sắc phong đã có một “hành trình du ký” để tiếp tục được truyền lại cho con cháu ngày sau. Ông Trần Đình Quyết, nguyên Chủ tịch UBND xã Phù Hóa chia sẻ, trước đây, các sắc phong được đặt ở Miếu thờ Tướng quân Trần Phù, nhưng một trận lụt lớn vào khoảng những năm 1980 đã khiến chiếc hộp gỗ đựng các sắc phong trôi theo dòng nước, may mắn, một người dân làng đã vớt được hộp gỗ này. Sau đó, chính quyền địa phương đã quyết định lưu giữ các sắc phong ở tại trụ sở để bảo đảm an toàn, nhất là đề phòng lụt lội, thiên tai.
Hà Tĩnh có 3 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, trong đó văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) gồm 26 sắc phong do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng, 3 bức trướng bằng lụa. Với những gì mà làng Phù Kinh cũng như các làng quê giàu truyền thống văn hóa-lịch sử trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, hy vọng một ngày không xa sẽ có các nghiên cứu, tìm tòi công phu để những di sản sẽ mãi được trao truyền.
Trong khung cảnh những ngày cuối năm mưa phùn lất phất, cái buốt lạnh lúc giao mùa không làm giảm đi sự háo hức của chúng tôi khi được công chức Văn hóa-Xã hội của xã Phù Hóa giới thiệu những sắc phong. Lặng lẽ trong góc tủ của phòng truyền thống xã, những sắc phong nhuốm màu thời gian nhưng vẫn toát lên sự uy nghiêm, linh khí của bậc vương quyền thuở trước. Trên chiếc bàn cũ của UBND xã, từng sắc phong lần lượt được trải ra, từng dấu mực, ấn triện vẫn còn nguyên nét, từng trang giấy sắc phong còn giữ màu vàng nguyên bản. Vẫn ngậm ngùi, tiếc nuối vì một số sắc phong đã không còn nguyên vẹn, bị rách nát hay bị mốc bẩn. Nếu được bảo quản tốt hơn, có lẽ những di sản này sẽ còn trường tồn hơn.
Đây là 18 sắc thần thờ 7 vị: Niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 2 phong hai sắc là Đại Càn Quốc gia Nam Hải và Đức vua Cao Các Mạc Sơn; niên hiệu Thành Thái năm thứ 2 phong 1 sắc Minh Vương Tam Tòa; niên hiệu Duy Tân năm thứ 2 phong 2 sắc Đại Càn Quốc gia Nam Hải và Đức vua Cao Các Mạc Sơn; niên hiệu Duy Tân năm thứ 7 phong 6 sắc và niên hiệu Khải Định năm thứ 9 phong 7 sắc. Trong đó, Đức vua Cao Các Mạc Sơn được sắc phong nhiều lần dưới thời vua Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định. Sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9 chỉ rõ: “Sắc cho làng Phù Kinh, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình từ trước phụng thờ Thượng đẳng thần Cao Các Mạc Sơn nguyên tặng Hiệu linh Phu hựu Trạc dương Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, giữ nước giúp dân đã từng linh ứng, lần lượt được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ…”.
Ra đời cách đây hơn 500 năm, làng Phù Kinh xưa vẫn còn ẩn giấu trong mình những di sản văn hóa quý báu khác. Đặc biệt, riêng có ở làng Phù Kinh là hệ thống các miếu thờ bậc tiền nhân có công xây dựng quê hương, đất nước (được xem như thành hoàng của làng), phù hộ bình an cho xóm làng. Như tại Trung Thọ có miếu thờ 2 vị Minh Vương Tam Tòa và Tả phủ Hiền quận công; tại thượng đoạn Phú Thọ có miếu thờ Đức vua Cao Các Mạc Sơn; tại hạ đoạn Phú Thọ có điện trung ương thờ vị thần Hoàng Đàn và Sỏ Sắt…
Dẫn chúng tôi đi tham quan các điện, miếu thờ ở xã Phù Hóa, ông Trần Đình Quyết, nguyên Chủ tịch UBND xã Phù Hóa không giấu vẻ tự hào về những trầm tích lịch sử của vùng đất ven tả ngạn sông Gianh này. Chỉ tiếc là hậu thế biết về những di sản này quá ít ỏi, hầu hết là theo truyền miệng nên chưa có tính hệ thống và trao truyền cao. Có lẽ, cần có những nghiên cứu sâu hơn về làng Phù Kinh với những bề dày văn hóa của mình để tránh bỏ lỡ di sản của tiền nhân.
Trên địa bàn xã còn có di tích lịch sử cấp tỉnh đền Song Trung (Song Trung miếu bia). Đền nằm dưới tán cây cổ thụ, hướng mặt ra sông Gianh với vị trí sơn thủy hữu tình, thờ hai vị công thần Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ, hai cha con có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống cát cứ, bảo vệ quê hương, phục hưng đất nước dưới thời Hậu Lê. Năm 1995, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định tấm văn bia ở đền Song Trung là loại bia có niên đại khá sớm ở Việt Nam. Bài ký trên bia ghi lại rõ ràng lịch sử mảnh đất, thân thế của hai vị công thần họ Hoàng, là một tác phẩm văn học sử vô giá.
Rời Phù Hóa trong cơn mưa bụi lất phất những ngày cuối năm, chúng tôi vẫn không khỏi nuối tiếc vì chưa khám phá hết các trầm tích văn hóa nơi đây. Có lẽ, sẽ rất cần những chuyến đi khác để tiếp tục hành trình tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm mảnh đất và con người làng Phù Kinh xưa. Nếu có một điều ước cho năm mới, có lẽ, sẽ ước mong để những giá trị văn hóa này có cơ hội được lan tỏa đến nhiều thế hệ hơn và các di sản sẽ có điều kiện được bảo tồn, gìn giữ theo đúng nghĩa.