Nghề luyện sắt của người Ca Dong
Theo lời kể và tài liệu lưu truyền, ngày trước, người Ca Dong có nghề luyện sắt rất độc đáo. Đây cũng là nét đặc trưng, tiêu biểu cho văn hóa cổ truyền của người Ca Dong.
Chuyện bắt đầu từ việc tôi đọc một bài viết của GS.Đặng Nghiêm Vạn, nhà dân tộc học tiền bối nổi tiếng ở Việt Nam, đăng trên tạp chí Dân tộc học. Trong bài viết này, vị giáo sư khả kính khảo cứu về nghề luyện sắt cổ truyền của người Xơ Đăng trên cao nguyên Kon Tum. Tác giả mô tả, người Xơ Đăng thu nhặt quặng sắt tại chỗ, dùng cát tại chỗ làm chất xúc tác, dùng da thú tự tạo ra bể thụt, tự tạo lò rèn và đã rèn đúc được những công cụ bằng thép tuyệt hảo, trong đó có con dao, mũi dáo, thanh kiếm. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn kết luận, đây là nghề luyện sắt hết sức độc đáo thời kỳ tiền công nghiệp của các dân tộc thiểu số miền núi nước ta.
Mô hình lò rèn luyện sắt của người Xơ Đăng tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum. |
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, nghệ sĩ ưu tú Đinh Long Ta từ tỉnh Đắk Lắk về công tác tại Quảng Ngãi. Tình cờ trong một cuộc trò chuyện, nghe tôi nói về bài viết của GS.Đặng Nghiêm Vạn, Đinh Long Ta bảo rằng người Ca Dong cũng có nghề luyện sắt y như vậy. Anh còn nói rằng trong quá trình luyện sắt, người Ca Dong ở huyện Sơn Tây quê anh thường nhỏ huyết thú rừng vào quặng đang luyện. Với đồng bào thiểu số ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, thông thường người ta rất giỏi về nghề đan lát và chế tác các công cụ bằng cây cỏ, thuộc về “văn hóa thảo mộc”, còn những công cụ thuộc về kim loại như dao, rựa, cuốc, mũi giáo đều phải mua từ đồng bào Kinh ở miền xuôi đem lên bán.
Những năm đầu thế kỷ XXI, tôi tập trung nhiều về nghiên cứu văn hóa dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng, Trà My (Quảng Nam) và đã hoàn thành cuốn sách "Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor - Tổng thể và những giá trị đặc trưng". Đồng bào Cor có địa bàn cư trú cận cư với đồng bào Ca Dong. Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa của người Cor, tôi hỏi các già làng về việc dao, rựa, thanh kiếm của người Ca Dong. Các già làng người Cor bảo rằng, xưa kia, bên cạnh việc mua bán với người Kinh, người Cor có mua dao, rựa, thanh kiếm của người Ca Dong, nhưng không ai còn giữ vì đã lâu quá rồi, và phần lớn đã chia của cho người chết.
Các già làng người Cor còn kể rằng, thi thoảng người ta thấy các thanh kiếm người Ca Dong bỏ lại trong rừng hàng mấy chục năm trời, giữa mưa nắng, nằm trên đất cát, lá cây với độ ẩm rất cao, nhưng không hề hoen gỉ. Đặc biệt, trong truyền ngôn của người Cor có chuyện ca ngợi độ sắc của cây kiếm do người Ca Dong làm.
Thanh kiếm của người Ca Dong luyện thuở xưa được già làng ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh (Trà Bồng) lưu giữ. |
Đến huyện Sơn Tây, địa bàn cư trú chính của người Ca Dong, tôi có hỏi về nghề luyện sắt thuở xưa. Người Ca Dong xác nhận thuở xưa có nghề luyện sắt, nhưng vẫn không thể tìm đâu ra một sản phẩm. Năm 2013, một lần đi lên thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (nay là huyện Trà Bồng), địa bàn này giáp giới với huyện Sơn Tây, tôi tình cờ hỏi thăm và bất ngờ trông thấy một thanh kiếm do người Ca Dong luyện mà già làng còn lưu giữ. Thanh kiếm có màu trắng đục như nước vo gạo chính là chứng tích của nghề luyện sắt độc đáo của người Ca Dong thời tiền công nghiệp. Nó là đặc trưng, là tiêu biểu cho văn hóa cổ truyền của người Ca Dong thuở xưa.
Một dịp may nữa là, trong chuyến đi công tác ở tỉnh Kon Tum năm 2018, tôi thấy ở Bảo tàng tỉnh này có phục dựng một lò luyện sắt của người Xơ Đăng, để có thể hình dung người xưa đã rèn luyện sắt thép như thế nào.