Đời sống xã hội

“Phòng tin học cho em” - khát vọng trao tặng máy tính đến với mọi miền

Phương Anh - Phương Thảo 07/04/2024 - 16:09

Được thành lập từ đầu năm 2023, Chương trình “Phòng tin học cho em” thuộc hệ sinh thái “Nuôi Em” đã có nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực để hỗ trợ các em học sinh còn khó khăn trong việc tiếp cận với công nghệ.

Hành trình trao những “Phòng tin học cho em”

Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, Tin học đã trở thành môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3 theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự thay đổi này thể hiện khát vọng vươn lên của giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ môn học này vẫn là một vấn đề nan giải, đặc biệt với các trường ở vùng sâu, vùng xa. Nhận thức được tình hình ấy, một nhóm bạn trẻ đã cùng nhau sáng lập chương trình “Phòng tin học cho em” với mong muốn mang Tin học đến gần hơn với hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số.

“Phòng tin học cho em” là chương trình được thành lập bởi Hoàng Hoa Trung, cũng chính là người sáng lập và điều hành hệ sinh thái “Nuôi Em”. Chương trình bắt đầu được triển khai vào tháng 3 năm 2023, trực thuộc hệ sinh thái “Nuôi Em”, được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) triển khai.

6-4-1-tin-hoc-cho-em.png
Lễ khánh thành “Phòng tin học cho em” tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Tương Dương (tỉnh Nghệ An).

Sứ mệnh được chương trình đặt ra là thúc đẩy giáo dục vùng cao bằng công nghệ, góp phần mở ra cơ hội giúp học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận với máy tính để các em nhanh chóng bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội. Mục tiêu của “Phòng tin học cho em” là trở thành cầu nối giữa nhà trường và nhà tài trợ máy cũng như đơn vị vận chuyển. Hiện vật được tài trợ là các bộ máy tính (máy cũ hoặc máy mới) và trang thiết bị lắp đặt cho phòng tin học của điểm trường. Để tăng hiệu quả hoạt động, “Phòng tin học cho em” còn tổ chức hình thức gom lẻ máy cũ và chiến dịch “Chiến binh cầu vồng” - chiến dịch gây quỹ của các em nhỏ ở thành thị hoặc có điều kiện tốt hơn mong muốn giúp đỡ các bạn ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Thông qua đó, chương trình mong muốn cùng cộng đồng lắp đặt máy tính cho toàn bộ các phòng tin tại các trường chưa có hoặc thiếu máy tính tại Việt Nam.

Thời gian đầu hoạt động, “Phòng tin học cho em” đã gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là việc tìm kiếm trường học đạt các tiêu chí đề ra. Ban đầu, chương trình lấy thông tin khảo sát từ chính các thầy cô giáo, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, nhưng vẫn còn nhiều khu vực chưa được kết nối. Vì vậy, từ cuối năm 2023, chương trình đã phối hợp với tỉnh Đoàn, thành Đoàn để có thể thực hiện khảo sát trực tiếp tại các địa phương, giúp cho thông tin chính xác hơn và kết nối được các trường trên 21 tỉnh, thành phố cả nước.

Từ những ngày đầu thành lập, nhóm điều hành chỉ có 8 người, mỗi người một ngành nghề nhưng không ai giỏi về công nghệ máy tính, vì vậy nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc tự mình thẩm định chất lượng máy. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển thường được trường chi trả, đây cũng là một trở ngại không nhỏ để đưa các dàn máy lên tận những trường ở vùng sâu, vùng xa. Thông tin về chương trình chưa được lan tỏa rộng rãi hay thiếu sự rõ ràng, ví dụ tiêu chí chọn trường trao tặng máy là trường phải kiên cố, đảm bảo điện và hệ thống mạng, có giáo viên Tin học…

6-4-2-tinhocj-cho-em.png
Buổi trao tặng “Chiến binh Cầu Vồng 01” tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Nguyên (tỉnh Yên Bái).
6-4-3-tin-hoc-cho-em.png
Buổi trao tặng “Chiến binh Cầu Vồng 01” tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Nguyên (tỉnh Yên Bái).

Nhưng vượt lên những thách thức thường trực, “Phòng tin học cho em” đã đạt được những thành quả ấn tượng. Tính đến cuối năm 2023, chương trình đã trao được 40 phòng tin học trên cả nước, vượt chỉ tiêu ban đầu đặt ra là 30 phòng. Đến tháng 3-2024, đã có 56 phòng tin học được trao, 690 bộ máy đã đến với gần 17.000 học sinh ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó có 2 phòng đến từ hình thức gom lẻ máy cũ và 1 phòng từ chiến dịch “Chiến binh cầu vồng”. Sắp tới đây, 30 phòng đang chờ trao với hơn 1.000 em học sinh hưởng lợi.

Từ Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn đến Thanh Hóa, Nghệ An hay Kon Tum, Đắk Lắk, những dàn máy tính đã vươn tới ngày càng nhiều trường khó khăn và sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai khi nhận được sự chung tay từ các doanh nghiệp và cộng đồng.

Góp phần sức nhỏ…

Nguyễn Thị Phương Lan (22 tuổi) hiện đang là sinh viên năm 4 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã theo chân chương trình từ những ngày đầu thành lập. Quen biết Hoàng Hoa Trung từ khi còn là Đội trưởng Đội sinh viên làm Công tác xã hội của trường, cô đã được anh định hướng hợp tác trong dự án “Sức mạnh 2000” - một dự án xây trường cho trẻ em vùng cao, sau đó cùng anh triển khai kế hoạch cho chương trình “Phòng tin học cho em”. Mặc dù còn đi học nhưng Phương Lan luôn cố gắng dành nhiều thời gian cho chương trình nhất có thể khi tham gia nhiều khâu quan trọng như tìm kiếm trường cần máy tính, kêu gọi nhà tài trợ, kết nối đơn vị vận chuyển…

6-4-4-tin-hoc-cho-em.jpg
Nguyễn Thị Phương Lan tích cực tham gia các hoạt động của chương trình “Phòng tin học cho em”.
6-4-5-tin-hoc-cho-em.jpg
Nguyễn Thị Phương Lan (đứng thứ 2 từ trái sang) tích cực tham gia các hoạt động của chương trình “Phòng tin học cho em”

Quá trình hoạt động với chương trình “Phòng tin học cho em” đã mang đến cho Phương Lan nhiều giá trị mà chính cô sinh viên ấy cũng không ngờ tới. “Đầu tiên, mình được cống hiến năng lực cho cộng đồng. Thứ hai, mình có cơ hội được làm việc với các anh chị rất giỏi, các thành viên trong chương trình là các anh chị đến từ mọi ngành nghề. Thứ ba, mình được trau dồi nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, đàm phán hay thuyết trình vì mình phải làm việc với các nhà tài trợ, các đơn vị vận chuyển hay sửa chữa máy tính”, Nguyễn Thị Phương Lan chia sẻ.

Phương Lan là một cá nhân tiêu biểu của đội ngũ điều hành chương trình cũng như đại diện cho sức trẻ đang ngày ngày cần mẫn, từng chút tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội.

… Tạo tương lai lớn

Trong suốt thời gian hoạt động, chương trình đã trao hạnh phúc đến rất nhiều em nhỏ. Niềm vui nhỏ bé của các em khi được nhận những chiếc dây thun buộc tóc, khi lần đầu được gõ bàn phím máy tính hay nhìn thấy màn hình sáng lên đã trở thành động lực to lớn để chương trình tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.

Mục tiêu lớn của chương trình từ những ngày đầu được thành lập là cùng với cộng đồng chung tay trao tặng máy tính cho các trường điều kiện khó khăn, chưa có máy tính hoặc còn thiếu máy tính trên cả nước, để các em học sinh đều có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, được học Tin học, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Trong năm 2024, chương trình sẽ tiếp nối những thành công đã đạt được, khắc phục những khó khăn của năm 2023 để hướng tới trao tặng cho tất cả các trường chưa có máy tính hoặc thiếu máy trầm trọng với mục tiêu 4 em/máy. Chương trình cũng có kế hoạch sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhà trường lâu dài hơn nữa như kêu gọi đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa miễn phí sau khi hết thời gian bảo hành để có thể đảm bảo chất lượng máy cho việc học tập của các em.

Nguyễn Thị Phương Lan chia sẻ về Chương trình Phòng tin học cho em.

Phương Anh - Phương Thảo