Để mỗi điểm đến là một địa chỉ đỏ
Việc đặt chân đến những di tích lịch sử hay đài tưởng niệm không đơn thuần là trải nghiệm du lịch, mà còn là cơ hội để mỗi người cảm nhận sâu sắc quá khứ hào hùng của dân tộc. Ở nơi này, mỗi viên gạch, mỗi con đường, mỗi hàng cây dường như đều thấm đẫm những câu chuyện ngày xưa…
Sa bàn tái hiện khu căn cứ cách mạng K20. Ảnh: T.Y |
Phát huy giá trị điểm đến
Lần đầu đến Đà Nẵng, ông Yori, du khách từ Nhật Bản đã nhờ một hướng dẫn viên tự do tiếng Nhật dẫn đến thăm đình Thạc Gián nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở quận Thanh Khê. Mái đình cổ kính, rêu phong phảng phất nét kiến trúc xưa cũ giữa một đô thị hiện đại thu hút bước chân ông tìm đến. Yori bảo, mình biết đến đình Thạc Gián qua lời kể của một người bạn từng đến Đà Nẵng nghiên cứu văn hóa cách đây vài năm. “Bạn tôi nói đây là ngôi đình cổ mang câu chuyện lịch sử thú vị về sự hình thành vùng đất, con người Đà Nẵng. Nếu đến đó, tôi có thể nhận ra những nét tương đồng về văn hóa giữa đình làng ở Việt Nam và những ngôi đền Jinja hoặc đền thờ Shinto ở Nhật Bản”, ông Yori nói.
Đứng trước bức bình phong mặt trước đắp hình hổ, mặt sau đắp hình kỳ lân, hai bên là cặp voi quỳ chầu hướng về mái đình, ông Yori nói rằng giá trị tín ngưỡng, tâm linh là điều dễ nhận thấy ở đây và điều này khá giống với những ngôi đền ở Nhật Bản. Theo ông, điểm tương đồng lớn nhất giữa đình Thạc Gián và những ngôi đền Jinja, Shinto là trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Nơi đây không chỉ thờ cúng mà còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Nếu đình Thạc Gián thờ các vị thần, anh hùng dân tộc hoặc người có công lập làng, thì ở Nhật Bản, các đền Shinto thờ kami (thần linh) và tổ tiên của họ. Cùng với đó, căn nhà hồi hương - nơi hội họp, chuẩn bị tế lễ của các bậc kỳ lão, hương thân, chức sắc, học trò gia lễ trong những dịp quan trọng - mang lại cảm giác thân thuộc như không gian sinh hoạt trong mỗi ngôi nhà người Nhật.
Trải qua bao biến cố lịch sử, đình Thạc Gián là một trong số ít ngôi đình ở Đà Nẵng còn lưu giữ được những hiện vật có giá trị, như 3 tượng phật bằng gỗ, 18 sắc phong, chiếu, thị… Ông Nguyễn Ngọc Nghĩ, Trưởng ban Nghi lễ đình Thạc Gián cho hay, ngoài giá trị văn hóa, tính ngưỡng, đình Thạc Gián còn mang những giá trị lịch sử khi chứng kiến sự hình thành của 4 xứ (Bàu Làng, Bàu Sen, Bàu Lác, Bàu Hạt) và 6 ấp (Thuận Lập, Tân Định, Núi Cùng, Trung Hòa, Tân An, Trung Bình). “Đình Thạc Gián mang một phần câu chuyện hình thành và phát triển mảnh đất, con người Đà Nẵng. Nếu được khai thác tốt, nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ “về nguồn” thú vị, đặc biệt với những du khách yêu khám phá vùng đất và tín ngưỡng Đà Nẵng xưa”, ông Nghĩ nói.
Như nhiều địa phương khác, quận Thanh Khê có hơn 10 di tích lịch sử, văn hóa cách mạng, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố, là tài nguyên vô giá để hình thành nên những sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử mang tính đặc trưng. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch thành phố cho rằng, việc khai thác tốt các di tích lịch sử như địa điểm nhà Mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê, nhà ông Ngô Minh Cảnh, Nguyễn Ngọc Nhược, ngã tư Yên Khê, hỏa xa Đà Nẵng, nhà số 02 Hoàng Hoa Thám hay sự kiện 76 ngày đêm nhân dân làm chủ thành phố… sẽ giúp phát huy tối đa giá trị di tích, đồng thời nâng cao nhận thức của chính quyền, người dân và du khách trong việc gìn giữ những “nhân chứng” hình thành vùng đất này.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Có 33 di tích được xếp hạng, huyện Hòa Vang đã và đang tập trung khai thác một số giá trị di tích tại đình làng Túy Loan, đình Thái Lai, Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy… Đặc biệt, một số đình làng, bia tưởng niệm chiến thắng Gò Hà, Văn chỉ La Châu, di tích Chi bộ Phổ Lổ Sỹ đã trở thành địa chỉ đỏ trong hoạt động về nguồn của học sinh, sinh viên, người dân và chính quyền thành phố. Tuy vậy, theo bà Thắm, thực tế khai thác các giá trị di tích văn hóa, lịch sử trong hoạt động du lịch vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Các di tích ở huyện Hòa Vang nói riêng, Đà Nẵng nói chung có quy mô nhỏ hoặc chưa có sự gắn kết di tích với lễ hội văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt, chưa đào tạo được đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ và thiếu các câu chuyện văn hóa, lịch sử gắn với di tích, bởi điều làm cho chuyến tham quan các địa chỉ lịch sử, văn hóa trở nên ý nghĩa chính là khả năng kể chuyện của hướng dẫn viên, thuyết minh viên.
Xét ở khía cạnh tuyên truyền, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng khẳng định, hiệu quả tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa ở những địa điểm du lịch lịch sử, về nguồn tại Đà Nẵng khá tốt, nhất là đã biết làm nổi bật những địa chỉ đỏ riêng có của thành phố… Theo ông Tiếng, địa chỉ phong phú cùng hiệu quả tuyên truyền là những lợi thế du lịch về nguồn tại Đà Nẵng. Dù vậy, cho đến nay, hoạt động phát triển du lịch lịch sử, văn hóa vẫn chưa thật sự sôi động, hấp dẫn như kỳ vọng của Đà Nẵng.
“Theo tôi, hạn chế lớn nhất hiện nay của loại hình du lịch về nguồn là thiếu sự kết nối theo chuỗi sự kiện, như kết nối các địa chỉ đỏ nằm trong sự kiện cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải 1858-1860, kết nối địa chỉ nhà Mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê với căn cứ lõm B1 Hồng Phước, hay kết nối các điểm tham quan khác nhau trên cùng một địa bàn như căn cứ lõm K20 với điểm tham quan quần thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn, kết nối Nhà trưng bày Hoàng Sa với điểm tham quan bán đảo Sơn Trà”, ông Tiếng phân tích thêm.
Có thể nói, tham quan di tích lịch sử, văn hóa không còn gói gọn trong hành trình khám phá quá khứ mà là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa, truyền thống một cách trực quan, sinh động. Vì lẽ đó, khi bước chân vào một di tích, nhà tưởng niệm, hãy nhắm mắt tưởng tượng những gì từng diễn ra tại đây, nơi mỗi viên gạch, mỗi bức tường, hay mỗi không gian, đều ẩn chứa những câu chuyện chưa được kể.
Bạn có thể nghe thấy tiếng vó ngựa dội trên những con đường cổ, tiếng gươm kiếm, gậy gộc chạm nhau trong những trận chiến ác liệt, hoặc cảm nhận được sự tĩnh lặng, trang nghiêm trong không gian của ngôi đền, chùa chiền - nơi những bậc hiền nhân đã từng ngồi suy tư, tìm kiếm lẽ sống cho mình và cho nhân dân. Hãy để những chuyến du lịch về nguồn trở thành nguồn cảm hứng, giúp chúng ta trân trọng hơn những gì mình đang có và nhớ về công ơn của những thế hệ tiền nhân.
Khi bước chân vào một di tích, nhà tưởng niệm, hãy nhắm mắt tưởng tượng những gì từng diễn ra tại đây, nơi mỗi viên gạch, mỗi bức tường, hay mỗi không gian, đều ẩn chứa những câu chuyện chưa được kể. Bạn có thể nghe thấy tiếng vó ngựa dội trên những con đường cổ, tiếng gươm kiếm, gậy gộc chạm nhau trong những trận chiến ác liệt, hoặc cảm nhận được sự tĩnh lặng, trang nghiêm trong không gian của ngôi đền, chùa chiền - nơi những bậc hiền nhân đã từng ngồi suy tư, tìm kiếm lẽ sống cho mình và cho nhân dân. Hãy để chuyến du lịch về nguồn trở thành nguồn cảm hứng, giúp chúng ta trân trọng hơn những gì mình đang có và nhớ về công ơn của thế hệ tiền nhân. |