Hát Soọng cô - “Báu vật” của người Sán Dìu
Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Sán Dìu, hát Soọng cô được coi là “báu vật” trao truyền qua nhiều đời. Đồng bào tự hào: “Soọng cô còn, dân tộc Sán Dìu còn”, bởi hát Soọng cô không chỉ là vui chơi ca hát, mà còn là cách gìn giữ ngôn ngữ của người Sán Dìu.
Tỉnh Thái Nguyên có khoảng 50.000 người dân tộc Sán Dìu, tập trung nhiều ở các huyện Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên. Đồng bào dân tộc Sán Dìu sống hòa thuận, có ý thức tốt trong gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống cha ông để lại, trong đó có hát Soọng cô.
Hầu hết các khu dân cư đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống đều có câu lạc bộ hát Soọng cô. Hiện, trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân tộc Sán Dìu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Ưu tú.
Chia sẻ với chúng tôi về câu hát Soọng cô, Nghệ nhân Ưu tú Diệp Minh Tài, thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Soọng cô nghĩa là ca hát đối đáp, đặt lời theo thể thất ngôn tứ tuyệt, được ghi chép bằng chữ Hán cổ và lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu.
Còn Nghệ nhân Ưu tú Miêu Thị Nguyệt, Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho biết: Soọng cô là lối hát đối, hát giao duyên, cuộc hát dành cho nam - nữ chưa lập gia đình. Nhưng vì một thời gian khá dài tiếng nói, câu hát của đồng bào dân tộc Sán Dìu bị vùi vào quên lãng, nên khi “gầy lại” chỉ có người cao tuổi mới “giữ được lửa”. Cũng vì thế, hát giao duyên được gọi chệch là hát giao lưu.
Hiện hát Soọng cô đã trở thành một phong trào sâu rộng trong cộng đồng người dân tộc Sán Dìu. Các buổi khu dân cư hội họp đều có tiết mục hát Soọng cô. Các câu lạc bộ hát Soọng cô trong, ngoài tỉnh cũng thường xuyên hò hẹn đến với nhau để cùng hát giao lưu. Nhờ linh hoạt, biến hóa câu từ phong phú, nên các cuộc hát giao lưu luôn như “gừng cay, muối mặn”, có khi kéo dài cả tuần chưa muốn ngừng.
Ông Lý Văn Hoa, 79 tuổi, thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) tự hào: Hát Soọng cô còn là cách biểu hiện tinh thần và trí tuệ sâu sắc của người tham gia. Từng lối hát đều tuân thủ theo lề lối, khuôn phép nhất định. Khi hát tự nhiên, không sử dụng nhạc cụ hỗ trợ, song mượt mà làm say đắm lòng người. Hơn thế, hát Soọng cô còn là cách người Sán Dìu chúng tôi dạy ngôn ngữ của dân tộc mình cho lớp trẻ hiệu quả nhất.
Cuộc sống đời thường, nhiều nghệ nhân đã không quản thời gian, khó nhọc để dịch từng câu hát trên những cuốn sách viết bằng chữ Hán cổ sang tiếng Việt. Hoặc về các xóm ngõ “lần tìm dấu tích” câu hát để ghi chép, biên soạn từng vần điệu, rồi sao chép cho mọi người cùng hát.
Bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Ngoài những người được vinh danh là nghệ nhân, trong dân gian còn có rất nhiều người đang từng ngày lặng lẽ cống hiến thông qua hoạt động trao truyền cho lớp trẻ lời bài hát Soọng cô. Dù chưa phải là nghệ nhân, nhưng họ là người đáng kính.
Để “báu vật” hát Soọng cô của người Sán Dìu có nhiều hơn cơ hội lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn vào đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, tỉnh quan tâm hỗ trợ thành lập câu lạc bộ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng trao truyền và thực hành hát Soọng cô.
Đặc biệt, cuối năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Đá Bạc 30 bộ trang phục dân tộc Sán Dìu và một số đạo cụ, nhạc cụ, loa máy âm thanh với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Qua đó khích lệ các nghệ nhân tích cực hơn trong việc tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu.
Giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Soọng cô đang được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Cho dù xã hội hiện đại có nhiều dòng văn hóa thâm nhập vào đời sống của đồng bào, nhưng câu hát Soọng cô vẫn cất lên mỗi ngày, khẳng định sự phát triển không ngừng của đồng bào dân tộc Sán Dìu trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.