Khởi nghiệp từ làm len handmade
Đam mê với đồ đan móc thủ công, chị Cà Thị Thanh, ở tiểu khu 1, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã quyết tâm khởi nghiệp với nghề đan móc các sản phẩm từ len.
Các sản phẩm len đan móc thủ công hay còn gọi là handmade của chị Thanh có mẫu mã đa dạng, mang đặc trưng hoa văn của đồng bào các dân tộc và các sản phẩm phục vụ theo nhu cầu, được nhiều khách hàng trong nước tìm đến đặt mua.
Trong căn nhà ở và cũng là cơ sở sản xuất của gia đình chị Thanh tại thị trấn Ít Ong, chị kể cho chúng tôi nghe về quá trình khởi nghiệp: Sau khi tốt nghiệp trung cấp, làm kế toán trường học và doanh nghiệp, tôi theo đuổi niềm đam mê với những sợi len. Năm 2019, tôi nghỉ công việc đang làm và khởi nghiệp với nghề móc len để được thỏa sức sáng tạo, sống với niềm đam mê.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng, chị Thanh không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và cho ra mắt nhiều mẫu độc đáo từ len sợi, như búp bê mặc đồ dân tộc, túi, ví, thú bông, quà lưu niệm, hoa, các con vật, giầy búp bê, bờm, kẹp, tóc... Nhất là trong ngày lễ 8/3, 20/10, hoặc ngày kỷ niệm của các ngành, sản phẩm len từ hoa, hình tượng chủ đề của các ngành, nhận được nhiều đơn đặt hàng, làm quà tặng.
Hiện nay, các sản phẩm len handmade của chị Thanh được bán chủ yếu với hình thức online, khai thác kênh bán hàng qua mạng xã hội facebook, tiktok để cập nhật hình ảnh về các sản phẩm và mở rộng khách hàng. Với giá hấp dẫn, mẫu mã đẹp và được chăm chút chất lượng, các sản phẩm handmade từ len của chị Thanh ngày càng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của khách hàng. Tùy theo kiểu dáng, sản phẩm có giá thành khác nhau với giá từ 20.000 đồng đến 600.000 nghìn đồng/sản phẩm, cung cấp cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Không chỉ vậy, chị Thanh còn có những đơn hàng online bán ra thị trường Mỹ. Trung bình 1 tháng, chị Thanh đã xuất bán được đến hơn 100 sản phẩm khác nhau.
Bên cạnh đó, chị đã tích cực tham gia hướng dẫn kỹ thuật đan móc cho nhóm các chị em bản Thẳm Hon, xã Tạ Bú, thị trấn Ít Ong để xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch. Chị Vàng Thị Thu, bản Thẳm Hon, xã Tạ Bú, chia sẻ: Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của chị Thanh, tôi và nhiều chị em trong bản đã nắm được kỹ thuật, móc phần len thô cơ bản. Tôi đang tiếp tục học hỏi để làm ra các sản phẩm mang đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông để bán, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Nói về dự định tương lai, chị Thanh cho biết: Hiện nay, đang có nhiều đơn đặt hàng trong nước và quốc tế nên đang vận động các chị em có cùng đam mê, sở thích để thành lập nhóm, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương và đưa sản phẩm đến với khách hàng nhiều hơn nữa; giúp cho chị em người dân tộc thiểu số trên địa bàn trong phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt đẹp hơn.