Pháp luật

Xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông ở Thanh Hóa

NGUYỄN LINH 05/04/2024 - 08:11

Trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông, bên cạnh những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thì vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm mê tín, lạc hậu, gây hại đến tiến bộ xã hội, tiềm ẩn mất ANTT. Từng bước đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng này luôn là nhiệm vụ được các ngành, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa chú trọng.

175788z5301981328510_c45b6eadf5cf104a2026e8c90498885b.jpg
Một đám tang của đồng bào Mông xã Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa) được thực hiện theo nếp sống mới

Đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, sinh sống tại 44 bản thuộc 10 xã của các huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn với gần 3.700 hộ, chiếm trên 17% tổng số đồng bào khu vực miền núi. Hầu hết các hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thiếu tư duy, phương thức làm giàu. Nhiều hủ tục lạc hậu đeo bám khiến đồng bào dân tộc Mông vẫn còn nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong tang lễ, với thói quen không bỏ người chết vào trong quan tài mà được đưa lên cáng treo giữa ngôi nhà. Người chết để lâu ngày, mổ nhiều trâu, bò để “báo hiếu” với người quá cố.

Để làm thay đổi dần nhận thức, chuyển biến đời sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông đến năm 2020”, thu được những kết quả tích cực, như: không bắn súng để thông báo có người chết; người chết được đưa vào quan tài, không để trong nhà dài ngày và được chôn ở nghĩa địa tập trung; nhận thức của đồng bào trong việc bài trừ những hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới đã có nhiều chuyển biến tích cực... Đây được xem là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Huyện biên giới Mường Lát, đồng bào dân tộc Mông chiếm 41,3% dân số toàn huyện, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa và thuộc diện đặc biệt khó khăn, tập trung ở 39 bản với tổng số dân là 16.782 khẩu/3.196 hộ, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại trong đời sống người dân, trong đó có một số hủ tục trong thực hiện tang lễ. Nhận thức rõ thực trạng này, với sự quyết tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và những người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ và sự đồng thuận của Nhân dân các hủ tục lạc hậu đã từng bước được đẩy lùi. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, người uy tín tiêu biểu... là những hạt nhân gương mẫu, trực tiếp nắm địa bàn, cầm tay chỉ việc, từng bước thay đổi nhận thức để bà con tiếp cận với nếp sống mới, xóa bỏ những thói quen không tốt trong nếp ở, sinh hoạt.

175787anh-2.jpg
Một đám tang của đồng bào Mông xã Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa) được thực hiện theo nếp sống mới

Huyện biên giới Mường Lát, đồng bào dân tộc Mông chiếm 41,3% dân số toàn huyện, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa và thuộc diện đặc biệt khó khăn, tập trung ở 39 bản với tổng số dân là 16.782 khẩu/3.196 hộ, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại trong đời sống người dân, trong đó có một số hủ tục trong thực hiện tang lễ. Nhận thức rõ thực trạng này, với sự quyết tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và những người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ và sự đồng thuận của Nhân dân các hủ tục lạc hậu đã từng bước được đẩy lùi. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, người uy tín tiêu biểu... là những hạt nhân gương mẫu, trực tiếp nắm địa bàn, cầm tay chỉ việc, từng bước thay đổi nhận thức để bà con tiếp cận với nếp sống mới, xóa bỏ những thói quen không tốt trong nếp ở, sinh hoạt.

Pù Nhi là xã đầu tiên của huyện Mường Lát triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Một trong những người có đóng góp quan trọng trong việc triển khai thực hiện đề án đó là ông Lâu Gia Pó, bản Pù Toong (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi). Ông Pó là người đầu tiên dám thay đổi những tập tục và nếp nghĩ của người Mông ở Pù Nhi, trong đó có câu chuyện đưa người chết vào quan tài. Trước đây ở Pù Toong, người có nhiều anh em, nhiều con trai, người càng có uy tín thì khi chết càng phải tổ chức đám ma thật to. Có đám phải mổ đến 4 - 5 con trâu, con bò nhưng người chết thì vẫn chưa được bỏ trong quan tài mà chỉ để vào cáng treo giữa nhà. Đặc biệt, người mất vào ngày chẵn thì phải lựa chọn chôn ngày lẻ, 3 - 4 ngày ăn uống chờ đến ngày đẹp nên rất mất vệ sinh. Ông Pó chia sẻ: “Trước kia việc tuyên truyền tới bà con rất khó khăn, còn hiện nay, việc đưa người chết vào quan tài đã trở thành việc làm tự giác của bà con. Nhìn thấy những điều tốt đẹp, bà con dần sẽ hiểu và làm theo”.

Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ, góp phần xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa

Để tiếp tục thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ trong vùng đồng bào Mông, bám sát kế hoạch của tỉnh, huyện Mường Lát đã và đang đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2025. Phạm vi thực hiện 39 bản Mông thuộc 6 xã gồm Mường Lý, Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tam Chung, Quang Chiểu.

Tại huyện Quan Sơn, đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 3 bản: Ché Lầu (Na Mèo); Xía Nọi, Mùa Xuân (Sơn Thủy), với tổng số 216 hộ, 1.041 khẩu. Trước đây, theo tục lệ, người mất để lâu ngày trong nhà và treo trên chiếc cáng được đặt giữa gian nhà. Khi gia đình có người mất, những người con phải có trách nhiệm góp trâu, bò để tổ chức ăn uống, báo hiếu với người mất, để rồi tổ chức tang lễ xong thì gia đình cũng rơi vào kiệt quệ, nghèo thêm nghèo. Việc tuyên truyền để bà con hiểu và thay đổi phong tục từ lâu đời là rất khó khăn, nhưng đến nay việc đưa người mất vào quan tài đã được bà con đồng thuận cao.

Tại bản Mùa Xuân, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, ông Thao Văn Dia là một người Mông có uy tín, trú tại bản Mùa Xuân, đã tích cực đi từng bản, từng nhà để khai phá những hủ tục lạc hậu để đồng bào thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ, đưa người chết vào quan tài và chôn cất trong vòng 48 giờ đồng hồ. Việc thực hiện tang lễ được đưa vào hương ước của bản. Khi có người trong bản chết, các hộ đều thực hiện giống nhau, không phân biệt giàu nghèo, dòng họ, mọi người, mọi nhà, mọi dòng họ đều phải chấp hành đúng theo hương ước, quy ước của bản cũng như thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Từ năm 2013 đến nay, những người chết đã được đưa vào quan tài.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho thấy, với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành; các địa phương, đến nay 100% đám tang đều đưa người chết vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước nữa; 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản, các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ, không còn hiện tượng bắt mổ gia súc, gia cầm nhiều trong đám tang, việc tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã giảm.

Việc đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông đã góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa.

NGUYỄN LINH