Văn hóa

Hiệu quả Nghị quyết về văn hóa

Chi Hương 04/04/2024 - 20:04

Xác định di sản văn hóa dân tộc Mường là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của người dân, năm 2021, Huyện ủy Thanh Sơn (Phú Thọ) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về việc tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.

Qua ba năm thực hiện Nghị quyết, đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng được nâng cao, bước đầu hình thành du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

111d4082927t6689l1-xd.jpg
CLB văn hóa dân gian Mường xã Tất Thắng trình diễn điệu múa Trống đu tại điểm du lịch cộng đồng xã Khả Cửu.

Để Nghị quyết có sức lan tỏa, đi vào cuộc sống, huyện đã cụ thể các nội dung Nghị quyết bằng Đề án tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép nội dung giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa trong các hội nghị, hội thi cho các bí thư chi bộ, trưởng khu, trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể, cán bộ nòng cốt khu dân cư, người có uy tín, trưởng dòng họ, đại diện các hộ gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn.

Tổ chức hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân tộc Mường và CLB các dân tộc khác ở địa bàn các xã có đông đồng bào dân tộc. Bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, sưu tầm hiện vật, công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ dân tộc Mường, khôi phục nhà sàn truyền thống... Đồng chí Đào Thị Ngọc Dung - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Giai đoạn 2021-2023, huyện đã hướng dẫn thành lập 19 CLB văn hóa dân tộc Mường và CLB các dân tộc, nâng tổng số CLB toàn huyện lên 136 CLB. Toàn huyện hiện có 22/23 xã, thị trấn có CLB; 84/165 khu dân cư có từ 50% đồng bào dân tộc Mường trở lên thành lập CLB văn hóa Mường; có 22/47 trường học có từ 50% học sinh, giáo viên là người dân tộc Mường và dân tộc thiểu số khác thành lập được CLB. Bảo tồn được 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ khác, 1.268 bộ trang phục, 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng cùng nhiều đồ dùng công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường.

Công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số được huyện quan tâm thông qua các hình thức truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian, đưa văn hóa dân tộc thiểu số vào các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bốn chương trình truyền dạy, xây dựng, phát huy mô hình CLB văn hóa Mường tại xã Khả Cửu trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức bảo tồn, phát huy một số di sản văn hóa truyền thống của người Mường; Tết cơm mới, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống tại xã Hương Cần; bảo tồn, phát huy ẩm thực truyền thống thịt chua của người Mường xã Võ Miếu và nghề thủ công truyền thống nhuộm chàm trang phục dân tộc Dao tại xã Yên Lương.

Đồng chí Phạm Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, huyện đã và đang huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy những bản sắc riêng có của đồng bào Mường, các dân tộc thiểu số khác, góp phần để văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương, trường học thành lập các CLB; chỉ đạo các xã, thị trấn sưu tầm, trưng bày công cụ lao động sản xuất, trang phục, đạo cụ dân tộc Mường và các dân tộc khác tại nhà văn hóa xã, khu dân cư; tăng cường xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, sản phẩm du lịch văn hóa gắn với phát triển làng nghề, định hướng khai thác xây dựng sản phẩm du dịch nông nghiệp nông thôn; bảo tồn, xây dựng nhà sàn truyền thống, trưng bày đồ dùng sinh hoạt của đồng bào phục vụ khách tham quan...

Chi Hương