Quả bầu trong đời sống của người dân Tây Nguyên
Cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa đã gắn bó với núi rừng, nương rẫy. Những vật dụng hằng ngày của họ cũng vì thế được tận dụng từ thiên nhiên. Hiện hữu trong sinh hoạt hằng ngày, quả bầu như mối dây liên kết giữa truyền thuyết về cội nguồn dân tộc và cuộc sống ngày nay.
Người Tây Nguyên tin rằng, khi những đứa trẻ được sinh ra, nhau thai phải được đựng trong quả bầu, chôn xuống đất. Từ đó “bầu mẹ” sẽ giữ gìn, chở che cho đứa trẻ mau lớn khôn, khỏe mạnh. Quan trọng hơn, không chỉ dùng cho sinh hoạt hằng ngày như đựng nước uống, quả bầu là vật dùng để đựng những vật phẩm dành riêng cho việc cúng tế như: Rượu, thóc lúa, tiết các con vật… dâng lên thần linh, cầu cho sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...
Một giàn bầu khi ra hoa kết trái, ngoài sử dụng để làm thực phẩm thì những quả có hình dạng đẹp sẽ được đồng bào chọn giữ lại. Từ quả bầu xanh, để cho quả bầu thật già, sau khi hái về, trải qua các công đoạn như phơi nắng, ngâm bùn, khoét ruột. Ruột bầu được khoét và dằm nát bằng cây nhọn, đem ngâm bùn trong 3 tháng, sau đó mang lên súc cho thật sạch. Sau công đoạn này, quả bầu được đem ngâm thêm vài lần nữa với nước lá mắt mèo non (một loại lá rừng tạo mầu đen) giã nhỏ hoặc dùng lá mắt mèo chà xát bên ngoài để vỏ bầu có mầu đen, bóng, không bị phai mầu theo thời gian. Nếu muốn giữ nguyên mầu vàng nâu tự nhiên vốn có của quả bầu mà vẫn bảo đảm bền, chắc, tránh mối mọt, không bị thấm nước thì chỉ cần đem treo ở giàn bếp cho thật khô.
Thường những quả bầu dùng để đựng nước phải có bụng phình to, hình thuôn dài ở cuống. Ngược lại, nếu để đựng rượu mời khách thì quả bầu phải có hình nậm rượu với eo thắt giữa thân, hình dáng tròn, nhỏ. Những quả bầu này thường được đậy kín miệng bằng những chiếc nùi làm bằng lá cây rừng cuốn chặt. Đối với quả bầu dùng để đựng lúa hoặc gạo thì nắp lại được làm bằng một miếng gỗ mỏng bởi miệng bầu được khoét to, thuận tiện cho việc đổ lúa, gạo vào và lấy ra. Thông thường, bầu để đựng lúa gạo có hình dáng to, phình từ cuống đến thân, vỏ dày và cứng.
Ngày nay, tuy đời sống đã phát triển hiện đại nhưng quả bầu khô vẫn sử dụng thường xuyên và mang nhiều ý nghĩa với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Không chỉ vậy, quả bầu còn được các nghệ nhân dân gian chạm khắc những họa tiết hoa văn truyền thống làm thành sản phẩm trưng bày, bán cho khách du lịch làm đồ lưu niệm. Quả bầu còn được các nghệ nhân chế tác thành những chiếc chuông, mượn sức gió, tạo ra âm thanh vui tai để trang trí trước sân nhà.
Đặc biệt, quả bầu còn được người dân Tây Nguyên sử dụng làm hộp cộng âm, chế tác các nhạc cụ truyền thống như Đinh năm, đàn Gong… Sự kết hợp của quả bầu khô với những vật dụng đơn giản như tre nứa, sáp ong đã tạo nên các loại nhạc cụ có âm thanh rộn ràng, trong và êm tai. Các loại nhạc cụ được làm bằng quả bầu là những sản phẩm độc đáo và sáng tạo, là nét đặc trưng riêng không chỉ của người Tây Nguyên mà còn là bản sắc văn hóa đặc sắc của cả dân tộc Việt Nam, được bảo tồn, phát huy và gìn giữ cho đến ngày nay ■