Công nghệ nâng tầm mây tre đan Vân Sơn
Tận dụng nguồn đất đai, lao động, và nguồn mây tre dồi dào ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), hợp tác xã (HTX) mây tre đan Vân Sơn đã kết hợp nhuần nhuyễn với ứng dụng khoa học công nghệ để đưa mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp thích ứng với kinh tế thị trường.
Ông Lê Viết Sơn, Giám đốc HTX cho biết: Sau nhiều năm hình thành và phát triển, HTX Vân Sơn thiết kế và sản xuất gần 500 mẫu mã mới, tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu. Trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho ra đời từ 7-10 mẫu mới.
Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX đã sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sofa và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê. Sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Đầu tư đồng bộ
Có được điều này, HTX Vân Sơn đã mất một quá trình để từng bước hoàn thiện về nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng, trụ sở làm việc, các loại máy móc, công cụ, nguyên vật liệu. HTX cũng quan tâm đầu tư các phương tiện vận chuyển, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động kết hợp với tìm kiếm thị trường giải quyết đầu ra cho các loại sản phẩm từ mây tre đan. Việc mở rộng địa bàn thu mua nguyên liệu cũng được các thành viên HTX tính đến để bảo đảm sản xuất theo quy mô lớn.
Hiện nay, ngoài sản xuất, mua bán hàng thủ công mỹ nghệ dòng mây tre đan, HTX còn đẩy mạnh mua bán nguyên liệu song mây và các loại lâm sản khác. Theo ông Lê Viết Sơn, muốn làm tốt các dịch vụ trên, các thành viên HTX đã phải bàn tính và nhận ra rằng, chỉ có đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ mới giúp nghề mây tre đan khởi sắc.
Chính vì vậy, HTX đã xây dựng nhà xưởng chuyên sản xuất chế biến nguyên liệu song mây gồm 5 gian 282m2. Ngoài ra, HTX còn xây dựng một nhà xưởng chuyên đan lát thủ công và đào tạo nghề 7 gian 320m2. Trụ sở làm việc rộng 140m2 cũng mở ra nhiều cơ hội trong liên doanh, liên kết cho HTX.
Đến nay, nguyên liệu mây đã được HTX xử lý bằng lò luộc với công suất 1,5 tấn /mẻ. 11 máy chế biến nguyên liệu song mây các loại, 1 lò sấy nguyên liệu công suất 4,5 tấn/mẻ/48 giờ. Máy vót sợi, máy chẻ mây cũng được HTX trang bị đầy đủ giúp bảo đảm chất lượng đầu vào và giảm tải sức lao động. Chính vì vậy mà nguồn lao động của HTX hiện nay phần lớn là tập trung vào khâu làm thành phẩm và kinh doanh, sáng tạo sản phẩm.
Không dừng ở việc đầu tư máy móc, các thành viên còn hoàn thiện về kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất cơ bản đảm bảo nhu cầu thiết yếu của HTX - gắn với việc xử lý rác thải vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.
“Sản xuất nghề thủ công mỹ nghệ luôn tiềm ẩn những rủi ro về cháy nổ nên việc đảm bảo an toàn sản xuất không chỉ là cách giữ nồi cơm cho thành viên mà còn đáp ứng những nguyên tắc trong xuất khẩu bền vững”, Giám đốc HTX Vân Sơn cho biết.
Vươn tầm thế giới
Nhờ đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng đồng bộ mà Vân Sơn nổi lên là một mô hình sản xuất thủ công mỹ nghệ lớn mạnh nhất huyện Tuyên Hóa. Với quy mô sản xuất từ 16.000 đến 20.000 sản phẩm các loại/năm, doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt 2,7 tỷ đồng. Các mặt hàng mây tre đan Vân Sơn không chỉ đáp ứng về số lượng mà chất lượng, mẫu mã cũng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước.
Đến nay, sản phẩm của HTX đã có mặt tại Thái Lan, Lào. Nguyên liệu ruột mây 4- 9 mm do HTX sản xuất cũng được xuất khẩu sang Ấn Độ qua đường biển. Còn ở trong nước, HTX đã kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Hà Nội để mở rộng đầu ra và trao đổi nguyên liệu đầu vào. Hiện, sản phẩm tấm mây mắt cáo của HTX cũng đã được một doanh nghiệp ở TP. HCM bao tiêu. Sản phẩm tấm lợp vọt (guột) cũng được ký kết với doanh nghiệp ở Hà Nội, Đà Nẵng…
Được sự quan tâm của địa phương, hàng năm, HTX tích cực tham gia các hội chợ, giao dịch thương mại trong và ngoài nước, được đưa các sản phẩm đặc trưng trưng bày và quảng bá ở các nước như Thái Lan, Lào, Ấn Độ…
Ngay như năm 2023, HTX đã tham gia đoàn giao dịch thương mại của tỉnh Quảng Bình tại tỉnh Khammuon - Nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, tỉnh Sakolnakhon - Vương Quốc Thái Lan. Sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ dòng mây tre đan của HTX đã được nhiều doanh nghiệp ở Thái Lan đánh giá cao về mặt kỹ thuật và tính thẩm mỹ, giá cả hợp lý vừa túi tiền của người tiêu dùng. Trong lần giao thương này, HTX đã có đơn hàng nhập sỉ 750 sản phẩm và ký biên bản ghi nhớ hợp đồng kinh tế được lãnh đạo hai tỉnh, hai nước chứng kiến.
Nâng giá trị của mô hình HTX
Sản xuất phát triển, kinh doanh ổn định, HTX Vân Sơn đã giải quyết việc làm cho 35 lao động với bình quân thu nhập 4,5- 6,5 triệu đồng/người/tháng (tùy theo công việc)
Ngoài ra, HTX còn phối hợp với Trung tâm giáo dục dạy nghề huyện Tuyên Hóa mở các lớp đan lát thủ công tại các xã Kim Hóa, Nam Hóa, Đức Hóa, Đồng Hóa. Vân Sơn còn kết hợp với Trung Tâm Giáo dục dạy nghề huyện Minh Hóa mở các lớp đan lát thủ công tại xã Hóa Thanh, xã Trọng Hóa nhằm giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc ít người.
Với uy tín và thế mạnh trong sản xuất và nâng cao tay nghề, HTX đã được Phòng Lao động Thương Binh - Xã Hội huyện Tuyên Hóa cấp phép tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đây, các lớp đào tạo nghề mây tre đan tiếp tục được phát triển ở các xã, đội ngũ lao động lành nghề được ra đời hàng năm.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hàng năm, cán bộ HTX luôn chủ động nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn , nhất là về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đổi mới, sáng tạo... Công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ... cho cán bộ Ban Kiểm soát; kiến thức kế toán, cập nhật các văn bản quản lý tài chính, thống kê HTX... cho cán bộ kế toán cũng được HTX chú trọng. Hoạt động quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng của HTX đều được ứng dụng công nghệ. Do đó, nhiều thời điểm, HTX rơi vào cảnh cháy hàng.
Vân Sơn đến nay đã là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu, ứng dụng hiệu quả các công nghệ, máy móc hiện đại vào phát triển nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Đây cũng là điểm cộng giúp HTX không chỉ phát triển sản xuất mà còn thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Từ đây, Vân Sơn không chỉ mở rộng đầu ra mà còn có nhiều cơ hội để quảng bá những sản phẩm thân thiện với môi trường.