Những “báu vật sống” ở Ba Chẽ
Những năm qua, các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) tưởng chừng bị mai một đã được làm sống lại trong cộng đồng và truyền bá rộng rãi. Những kết quả của ngày hôm nay là thành quả trong suốt hành trình tìm kiếm, sưu tầm của những Nghệ nhân dân gian – những báu vật nhân văn sống. Họ là chủ thể quan trọng gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, những năm qua huyện Ba Chẽ luôn coi công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong nhiều cách bảo tồn, thì việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng đang mang lại hiệu quả tích cực. Trong mô hình này, huyện đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín, các nghệ nhân trong đồng bào DTTS, bởi họ chính là những chủ nhân văn hóa, là những người giữ lại những cốt lõi trong giá trị truyền thống của dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội... Giá trị và chiều sâu văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc, đôi khi được khám phá qua một con người cụ thể.
Nghệ nhân Triệu Thanh Xuân ở thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, là một người như thế. Bằng niềm say mê với vốn văn hóa dân gian; ngay từ khi còn trẻ, ông Xuân đã dành thời gian nghiên cứu và lưu truyền những nét đẹp truyền thống độc đáo của dân tộc Dao Thanh Y. Đến nay đã quá tuổi lục tuần, gia sản lớn nhất của ông Xuân là những cuốn sách Nôm - Dao được ông gìn giữ từ đời ông, đời cụ cùng những món kỷ vật của hơn 100 lần thực hiện nghi lễ cấp sắc cho các gia đình người Dao ở khắp trong và ngoài tỉnh. Ông Xuân cũng là người hiếm hoi còn giữ gìn và lưu truyền những nghi thức cúng nhập đồng nhảy lửa. “Nghi lễ nhảy lửa ít nhất phải có 4 người tham gia. Những người tham gia phải được luyện tập để đi chân trần trên than đỏ lửa. Cá nhân tôi đã làm nghi lễ này 4 lần. Đây là nghi lễ mang tính tâm linh do những nghệ nhân hoặc người được rèn luyện mới thực hiện được". ông Xuân khẳng định.
Hiện trên địa bàn huyện có 4 nghệ nhân dân gian được công nhận: Ông Triệu Thanh Xuân, dân tộc Dao Thanh Phán, xã Đồn Đạc; ông Lục Văn Bình, dân tộc Cao Lan, ông Hà Xuân Tiến và ông Đặng A Mản, dân tộc Dao Thanh Y cùng ở xã Nam Sơn. Họ là sợi dây níu giữ các yếu tố bản địa, đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng của các DTTS trên địa bàn huyện. Không chỉ là người kế tục các di sản, những nghệ nhân ấy còn là kho tư liệu đồ sộ, “cơ sở dữ liệu” văn hóa vật thể và phi vật thể, phản ánh, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa tộc người. Dù tuổi đã cao nhưng các nghệ nhân vẫn ngày đêm miệt mài gìn giữ và truyền bá văn hóa cổ cho thế hệ trẻ, với mong muốn lưu giữ cho con cháu sau này những nét đẹp văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc để không bị mai một bởi thời gian.
Những năm qua, Ba Chẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ nhân thực hành di sản. Môi trường và không gian văn hóa để nghệ nhân thực hành di sản không chỉ gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày tại nơi cư trú, mà còn được thể hiện sống động, đầy màu sắc trong các ngày hội, lễ hội và các hoạt động, sự kiện văn hóa do Trung ương và địa phương tổ chức. Qua đó giúp nghệ nhân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Chẽ, ngoài những chủ thể văn hóa đã có ý thức, trách nhiệm với bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thì các chủ trương, chính sách đúng đắn trong giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của huyện đang thực sự đi vào cuộc sống; trong đó có việc tôn vinh và tiếp nối các thế hệ nghệ nhân. Làm tốt điều này không chỉ tạo ra niềm tin, tâm huyết và cố gắng của nghệ nhân mà còn hình thành môi trường thuận lợi để nghệ nhân tỏa sáng tài năng của mình. Từ đó họ thực sự phát huy vai trò “báu vật nhân văn sống” trong giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc trong dòng chảy cuộc sống đương đại.