Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long - vùng "đất học miệt vườn" đã triển khai các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, biến tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Vĩnh Long sở hữu nhiều di sản văn hóa có giá trị lâu đời, phản ánh đời sống tinh thần phong phú, sự gắn bó với thiên nhiên, tinh thần lao động cần cù của người dân nơi đây trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Bên cạnh hơn 700 di tích văn hóa vật thể (trong đó có 69 di tích được xếp hạng), Vĩnh Long còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học…
Nhiều di sản độc đáo
Vĩnh Long rất tự hào khi mới đây di sản "Lễ hội Văn Thánh Miếu" và "Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long" được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. "Lễ hội Văn Thánh Miếu" thuộc lĩnh vực lễ hội truyền thống của cư dân Phường 4, thành phố Vĩnh Long - thủ phủ tỉnh Vĩnh Long.
Theo Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, di tích quốc gia Văn Thánh Miếu được xây dựng từ năm 1864, và triều đình nhà Nguyễn hướng dẫn điển lễ tế tự, cấp miếu phu để lo việc quét dọn hằng ngày. Văn Thánh Miếu là nơi hoạt động văn hóa, tôn vinh các bậc hiền tài và giáo dục lòng yêu nước. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long trở thành trung tâm văn hóa của khu vực miền Tây Nam Bộ-nơi các sĩ phu, tao nhân mặc khách từ nhiều nơi quy tụ. Năm 1991, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
Hằng năm, tại Văn Thánh Miếu tổ chức bốn lễ hội chính, gồm: Lễ Xuân Ðinh (vía ngày mất Ðức Khổng Tử, tổ chức vào ngày Ðinh đầu tháng 2 âm lịch); Lễ Thu Ðinh (vía ngày sinh Ðức Khổng Tử, tổ chức vào ngày Ðinh cuối tháng 8 âm lịch); Lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản (tổ chức vào ngày mồng 4 và 5 tháng 7 âm lịch) và Lễ giỗ các Quan Ðại Thần (tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng 10 âm lịch). Các lễ hội tại Văn Thánh Miếu tỉnh Vĩnh Long mang nhiều giá trị văn hóa, truyền thống và có sức lan tỏa.
Theo ông Trần Văn Viễn, Trưởng ban Quản lý Di tích Văn Thánh Miếu, ngay sau khi "Lễ hội Văn Thánh Miếu" được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bà con nơi đây rất phấn khởi, tham gia dọn dẹp, trang hoàng, tỉa dọn cây cảnh để chuẩn bị làm lễ đón nhận vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay. Không chỉ các ngày lễ, Tết, mà ngày thường Văn Thánh Miếu cũng đón rất nhiều người dân và du khách thập phương đến tham quan. Có được danh hiệu vinh dự này, bà con nơi đây càng ra sức bảo tồn di sản chu đáo, sạch đẹp hơn…
Cùng với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác, hát bội ở Vĩnh Long được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến. Năm 2007, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Viện Smithsonian, Washington DC (Hoa Kỳ), từng đưa gánh hát bội Đồng Thinh sang Mỹ biểu diễn rất thành công. Sau chuyến lưu diễn này, năm 2010 gánh hát bội Đồng Thinh được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn tại Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc.
Đa số nghệ nhân của gánh hát bội Đồng Thinh đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những nghệ nhân dân gian gìn giữ và trao truyền nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Hiện, nghệ thuật hát bội vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết, đang hoạt động và truyền nghề cho các thế hệ trong gia đình. Đây là điểm đặc biệt của nghệ thuật hát bội ở Vĩnh Long.
Những năm gần đây, Vĩnh Long đã tổ chức nhiều đêm diễn hát bội phục vụ khách du lịch tại các đình làng, các khu di tích..., dần đưa nghệ thuật hát bội trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Trường Năng khiếu Nghệ thuật-Thể dục thể thao Vĩnh Long cũng đã tổ chức nhiều lớp giảng dạy nghệ thuật hát bội cho các học viên đam mê môn nghệ thuật truyền thống này, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật hát bội.
Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trọng Tín cho biết: Nhiều năm qua, ngành du lịch Vĩnh Long đã đưa nghệ thuật hát bội vào các tour, tuyến du lịch để khai thác và tạo sự hấp dẫn thu hút du khách, tái hiện cảnh người xưa đi xem hát bội và du khách được tự tay đốt đuốc lá dừa hoặc cầm đèn dầu xem hát bội ở đình làng. Các nghệ nhân cũng biểu diễn hết mình, giúp cho du khách chiêm ngưỡng, trải nghiệm được nét độc đáo không nơi nào có được!
Đến nay, Vĩnh Long sở hữu bốn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (gồm: Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn; Làng nghề làm tàu hũ ky-xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh; Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết: Ngoài những di sản văn hóa đặc trưng, Vĩnh Long vẫn còn nhiều giá trị văn hóa có thể xem là độc nhất vô nhị. Chẳng hạn, Công Thần Miếu (Phường 5, thành phố Vĩnh Long) hiện vẫn còn giữ 85 đạo sắc, còn gọi là "sắc phong thần". Thông thường, mỗi đình làng hay Công Thần Miếu chỉ lưu giữ được vài đạo sắc, nhưng Vĩnh Long còn bảo quản tốt đến nay 85 sắc phong-Đây cũng là di tích có nhiều sắc phong nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố Vĩnh Long còn có Minh Hương Hội Quán, hiện lưu giữ hơn 3.000 trang văn bản của người Hoa Minh Hương khi giao thương, mua bán với người dân Vĩnh Long gần 300 năm trước. Ngoài ra, Vĩnh Long còn có 13 chùa Khmer và các đình, miếu của người Hoa, tạo nên nét đặc sắc văn hóa khó nơi nào có được...
Gìn giữ và phát huy giá trị di sản
Theo Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, công tác bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích luôn được chú trọng. Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm kê hiện vật, di vật tại di tích nhằm quản lý số lượng và nắm rõ giá trị hiện vật. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại các di tích được xếp hạng trên địa bàn Vĩnh Long hiện có 10.000 di vật, cổ vật đã được lập danh mục và hướng dẫn bảo quản. Vĩnh Long cũng đang sở hữu một Bảo vật quốc gia và nhiều cổ vật có giá trị, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định.
Công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật luôn được tỉnh Vĩnh Long quan tâm thực hiện. Hằng năm, tỉnh đều xây dựng kế hoạch trao đổi, sưu tầm bổ sung nguồn tư liệu-hiện vật, trong đó, hơn 100 hiện vật là cổ vật. Có thể kể ra, tượng kỳ lân (bằng đồng, niên đại thế kỷ XIX); Mukhalinga (sinh thực khí, bằng đá, niên đại thế kỷ VI-VII thuộc văn hóa Óc Eo); Thuyền độc mộc (bằng gỗ, đây là thuyền lớn thuộc loại hiếm, niên đại thế kỷ XIV); tượng Phật (bằng gỗ, niên đại thế kỷ XIX); tượng Vishnu (bằng đá sa thạch, niên đại thế kỷ VI-VII được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018); tượng Nữ thần Saraswati (bằng đá sa thạch, niên đại thế kỷ VI-VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo)…
Từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng Vĩnh Long cùng các cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức sưu tầm nông, ngư cụ truyền thống trên địa bàn với hơn 1.000 hiện vật; chuẩn bị nguồn tư liệu, hiện vật cho việc thành lập Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Vĩnh Long.
Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Vĩnh Long Lê Ngọc Anh cho biết: "Nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm, chỉ đạo ngành văn hóa và các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội; triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng".
Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long chú trọng đổi mới hình thức phục vụ công chúng, như: Đa dạng hóa trưng bày; tổ chức hơn 200 triển lãm, tuyên truyền thông qua phối hợp với các bảo tàng bạn, các nhà sưu tập tư nhân, các cơ quan, ban, ngành, các trường học để trưng bày theo chuyên đề. Cùng với đó, xây dựng các chương trình giáo dục, nói chuyện chuyên đề, kể chuyện truyền thống,… dành cho học sinh phổ thông tại bảo tàng và các điểm di tích theo cách tiếp cận mới, tạo điều kiện cho các em học sinh được trải nghiệm, làm giàu tri thức về lịch sử, di sản văn hóa…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết thêm: Vĩnh Long được hình thành rất sớm và có vị thế văn hóa cũng như nhiều điểm đặc biệt so với các tỉnh khác trong khu vực. Ngoài các di tích xưa, Vĩnh Long hiện còn rất nhiều di tích cách mạng và di tích đương đại. Trung ương và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh thực hiện các đề án Di sản đương đại Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long-một trong những giá trị văn hóa độc đáo hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo người dân quan tâm, tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc biệt nơi đây.