Xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với xóa bỏ hủ tục
Sự đa dạng trong thành phần dân tộc đã tạo nên vườn hoa đa sắc của văn hóa và phong tục tập quán mỗi tộc người. Cùng với bảo tồn, phát huy gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, việc xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu cũng được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Lai Châu quan tâm thực hiện.
Với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới, Lai Châu có 84% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng; mỗi dân tộc đều có đời sống văn hóa, phong tục, tập quán mang những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng. Tuy nhiên, một số nơi còn giữ những phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và tín ngưỡng, trong đó có hủ tục trở thành rào cản đối với sự phát triển, tiến bộ xã hội như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết; cúng bái để chữa bệnh…
Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát huy vai trò, được các địa phương, nhân dân hưởng ứng, lan tỏa, nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Quá trình triển khai, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, thành phố chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung của phong trào với tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn hóa. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân, gia đình, việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đồng thời, nhân lên những truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam như: Tình đoàn kết gắn bó, yêu thương, trách nhiệm, hỗ trợ, chia ngọt sẻ bùi; phê phán thói hư tật xấu, giá trị đạo đức xuống cấp trong xã hội. Các khu dân cư cũng lấy tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội là một trong những tiêu chí bình xét các danh hiệu thi đua; vận động nhân dân đưa nhiệm vụ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vào quy ước, hương ước.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các tổ dân phố, thôn, bản tổ chức tổng kết vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) hằng năm. Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, ngày hội chính là hoạt động tinh thần lớn nhất, quy tụ sự đoàn kết, thống nhất, tham gia của các gia đình. Những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” không kể nam hay nữ, già hay trẻ đều tích cực tham gia luyện tập và biểu diễn. Các bản trên, xóm dưới, tổ dân phố nô nức tập trung về nhà văn hóa cùng vui với ngày hội của bản làng.
Chị Đèo Thị Viện, ở tổ dân phố số 7 phường Đoàn Kết, (TP. Lai Châu) chia sẻ: Mỗi dịp diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, hội viên chi hội phụ nữ của tổ tập trung tập luyện các tiết mục văn nghệ để biểu diễn chào mừng. Những hoạt động tập thể giúp chị em gần gũi nhau hơn, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong khu dân cư.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 85% gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; 100% nhân dân thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội; 100% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước tại cộng đồng; 86% hộ gia đình, 74,7% thôn, bản tổ dân phố, 97,1% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Từ thực tế công tác bình xét các danh hiệu gia đình, khu dân cư văn hóa hiện nay cho thấy việc lựa chọn bình xét rất công bằng, dân chủ, khách quan. Các gia đình đều được tham gia bình xét, đóng góp ý kiến và tôn trọng quyết định số đông, thì kết quả bình xét mang tính chính xác cao.
“Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” và lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp của thuần phong mỹ tục vẫn cần được các cơ quan chuyên môn định hướng, cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục thì việc xây dựng đời sống văn hóa mới trở thành nếp sống, thói quen trong mỗi khu dân cư, làng bản. Đó cũng chính là cơ sở, điều kiện để Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2024 - 2030.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của tỉnh đã tổ chức họp, cho ý kiến vào kế hoạch thực hiện. Tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết phải thực sự quyết liệt, kiên trì và khéo léo, không được nóng vội. Việc nhận diện và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để đưa vào thực hiện phải lấy ý kiến của nhân dân. Các địa phương trước khi xây dựng kế hoạch cụ thể nên nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là huyện Than Uyên và các tỉnh bạn...
Bài trừ hủ tục là vô cùng cần thiết, tiến tới xây dựng xã hội văn minh, hiện đại. Với sự đoàn kết, thống nhất của 20 dân tộc trong tỉnh chắc chắn sẽ xây dựng nên một Lai Châu vừa tiên tiến, hiện đại song vẫn đậm đà bản sắc.