Để di sản trở thành nguồn lực cho phát triển bền vững
Tỉnh Ninh Bình xác định mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Vì vậy, Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Quần thể danh thắng Tràng An có các giá trị văn hóa lịch sử và thiên nhiên đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa sông, núi, các hang động ngập nước quanh năm và thảm động, thực vật còn hoang sơ nguyên vẹn. Nơi đây còn mang đậm dấu ấn và lưu truyền những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống đặc sắc. Nổi bật là các công trình lịch sử có kiến trúc nghệ thuật như Cố đô Hoa Lư, đền Nội Lâm… hay các lễ hội truyền thống: Lễ hội Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Thái Vi… cho đến văn hóa ẩm thực với những món ăn dân dã nổi tiếng cả nước như: thịt dê, cơm cháy, ốc núi, cá rô Tổng Trường, mắm tép…
Là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An để trình UNESCO, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: Sau nhiều năm được công nhận là di sản thế giới, Tràng An đã "lột xác" trở thành nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan. Tôi cho rằng, thành công này điều đầu tiên ghi nhận là Ninh Bình đã lựa chọn được một mô hình quản lý rất hiệu quả để bảo tồn bền vững, nguyên vẹn các giá trị của di sản và phát huy được các giá trị của di sản Tràng An trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Mô hình này còn góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như đưa nghệ thuật hát xẩm, múa rối nước vào phục vụ khách tại các điểm, tuyến tham quan; tăng cường quảng bá ẩm thực; đẩy mạnh hình thức du lịch làng nghề nhằm tạo lợi thế để thu hút du khách.
Trong chuyến tham quan Quần thể danh thắng Tràng An, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đánh giá cao mô hình quản lý di sản mà tỉnh Ninh Bình đang áp dụng, đó là sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đây là mô hình hay, phù hợp với điều kiện hiện nay không chỉ tạo nên thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Vì vậy cần được nhân rộng để phát huy tối đa các giá trị di sản, đồng thời chủ động ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý kịp thời những hoạt động xâm hại đến di sản.
Thời gian qua, Di sản cũng là cơ hội để Ninh Bình phát triển bền vững, mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đồng thời, các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên ở Ninh Bình đã khẳng đinh vai trò quan trọng là nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế. Di sản Tràng an đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển du lịch và làm phong phú thêm sinh kế của cư dân tại Tràng An, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định hơn.
Ngoài ra, hoạt động du lịch ở khu vực di sản đã mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng, góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử thông qua sự kết nối, tham gia của người dân trong cộng đồng. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động du lịch và được giới thiệu về các di tích lịch sử của địa phương, người dân sẽ biết rõ hơn về lịch sử và truyền thống góp phần tạo dựng niềm tự hào, giá trị văn hóa địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cũng cho biết: Từ khi Tràng An được vinh danh là di sản thế giới các khuyến nghị của UNESCO được các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh Ninh Bình thực hiện đầy đủ. Từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ đến việc bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; xây dựng, ban hành các văn bản luật, quy chế bảo vệ các di sản thế giới; xây dựng và thực thi các Kế hoạch quản lý; quy hoạch và đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tại các di sản thế giới.
Đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học… Các di sản đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản tại Ninh Bình, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển chung của đất nước và địa phương, làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê trong vùng di sản.
Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng di sản, nhà sử học Dương Trung Quốc, cho rằng: Để phát huy thế mạnh của tài nguyên di sản hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình cần phải có chiến lược phát triển du lịch phù hợp, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng lựa chọn những sản phẩm du lịch gắn với giá trị di sản; phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng và lợi ích của cộng đồng; nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch.
Theo đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam: Ninh Bình cần làm tốt hơn nữa các chính sách bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng. Để thực hiện được chính sách này, cơ quan quản lý di sản thế giới Tràng An phải tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực di sản qua việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy chế, quy định về quản lý di sản. Đồng thời, phải nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, của từng cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị trong việc giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn và sử dụng, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa của nhân loại.
Tỉnh Ninh Bình cũng cần rà soát lại nội dung văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, quy chế phải gắn thực tiễn đời sống của nhân dân với đảm bảo yêu cầu bảo tồn di sản, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng dân cư với bảo vệ di sản để các quy chế, quy định thực sự đi vào đời sống nhân dân.