Vun bồi tình yêu, tự hào dân tộc cho học sinh miền núi
Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa tổ chức Chương trình ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số năm học 2023-2024 với sự tham gia của 228 học sinh thuộc 11 dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Ngày hội là dịp để học sinh được tìm hiểu, vun bồi tình yêu, niềm tự hào đối với những giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng của các dân tộc thiểu số.
Học sinh hào hứng, phụ huynh nhiệt tình
Chương trình ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) năm học 2023-2024 của Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân được tổ chức trong 2 ngày, với nhiều hoạt động như: Dựng và trang trí lều trại; thi trình diễn trang phục truyền thống các DTTS; thi cồng chiêng và múa xoang Arap; thi các môn thể thao dân tộc; thi ẩm thực đặc trưng của vùng đồng bào DTTS và trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc; chiếu phim tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đốt lửa trại và sinh hoạt cồng chiêng - nhảy xoang Arap; thi tìm hiểu kiến thức văn hóa dân tộc, kiến thức pháp luật và kỹ năng sống...
Lần đầu tiên tổ chức, chương trình đã nhận được sự hào hứng, quan tâm của học sinh và phụ huynh học sinh. Em Mang Thị Tư, dân tộc Chăm, học sinh lớp 8B, phấn khởi nói: Đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức một chương trình giao lưu văn hóa rất hấp dẫn. Em mong năm nào chương trình cũng được tổ chức!
Bên cạnh 228 học sinh toàn trường, chương trình còn có sự tham gia của hơn 100 phụ huynh học sinh. Không chỉ tham gia cổ vũ, phụ huynh còn nhiệt tình hỗ trợ các lớp trong quá trình tổ chức ngày hội.
Ông La O Quạnh, phụ huynh học sinh La Thanh Hòa, lớp 6B bày tỏ: Nghe nhà trường tổ chức chương trình ngày hội văn hóa các dân tộc, phụ huynh nào cũng nhiệt tình ủng hộ. Người thì tìm mượn bộ nồi đồng, bộ nỏ, cung tên, người cho mượn các bộ trang phục dân tộc để các cháu trưng bày, giới thiệu về văn hóa của dân tộc mình. Các phụ huynh cũng vui vẻ hỗ trợ con dựng và trang trí trại cũng như hướng dẫn nấu các món ăn đặc trưng của các dân tộc. Đây là dịp để phụ huynh và các con có dịp gần gũi nhau hơn.
Vun bồi tự hào dân tộc
Ông La Lan Vân, phụ huynh em So Thị Bích Trâm, học sinh lớp 7A đã dành gần 2 ngày để cùng con trải qua phần lớn các hoạt động của ngày hội văn hóa các dân tộc tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân. Ông La Lan Vân chia sẻ: Việc tổ chức hoạt động như chương trình ngày hội văn hóa là rất cần thiết cho các con. Cùng với tham gia các trò chơi, thi đấu thể thao, các con còn được tìm hiểu sâu về truyền thống văn hóa của các dân tộc; qua đó giúp các con hiểu và tự hào về dân tộc mình.
Ông Huỳnh Ngọc Sáng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chương trình ngày hội văn hóa các dân tộc với chủ đề “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc”, nhằm tạo ra không gian văn hóa ý nghĩa, để các em học sinh gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Thông qua ngày hội, nhà trường mong muốn giới thiệu những thành tựu về văn hóa đã được tạo dựng qua nhiều thế hệ để các em học sinh tiếp tục vun đắp, bồi dưỡng. Đây cũng là dịp để nhà trường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng sống cho các em học sinh thông qua hoạt động thi tìm hiểu kiến thức pháp luật.
Theo bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, huyện Đồng Xuân có trên 11.000 người DTTS, là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo. Việc triển khai chương trình ngày hội văn hóa các dân tộc tại các trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu và gìn giữ văn hóa đặc trưng của các dân tộc.
“Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh lồng ghép hoạt động chiếu phim tuyên truyền nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để học sinh, đặc biệt là các phụ huynh nắm bắt các hệ lụy, nguy cơ mà nạn tảo hôn có thể gây ảnh hưởng cho các em; qua đó từng bước thay đổi nhận thức, xóa bỏ tập tục lạc hậu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng các DTTS”, bà Bích cho biết thêm.