Đời sống

“Điểm tựa” sức khỏe người dân vùng biên

GIA KHÁNH 02/04/2024 - 10:14

Ở một số vùng biên giới, ngoài hệ thống y tế cơ sở, người dân còn quen thuộc với trạm xá quân dân y đồn biên phòng. Tình cảm của họ đối với người lính quân hàm xanh càng được đong đầy, khi gắn bó ở phương diện sức khỏe.

10 năm nay, bà Nguyễn Thị Nương (66 tuổi, ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang) thường xuyên chịu đựng những cơn hen suyễn. Điều trị nhiều nơi, tốn kém tiền bạc, công sức, nhưng vẫn không thể nào giúp bà khỏe hẳn. Để bớt tốn kém, họ chọn đi khám bảo hiểm y tế ở địa phương. Còn khi nào lên cơn suyễn, chồng lại chở bà đến Trạm xá quân dân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình.

t11.jpg
Người dân tin tưởng đến khám bệnh tại trạm xá quân dân y.

Nằm chờ huyết áp trở lại bình thường trước khi điều trị, bà Nương chia sẻ: “Cách vài hôm, hễ trời lạnh, gió nhiều, tôi lại trở bệnh nặng. Đi bệnh viện ở xa thì sợ không chờ đợi nổi, lại tốn công sức di chuyển, nên gia đình tôi chọn ghé trạm xá quân dân y gần nhà. Nhờ vậy, tôi duy trì sức khỏe sau nhiều năm mắc bệnh”.

Nằm truyền nước biển giường bên cạnh, bà Nguyễn Thị Cúc (54 tuổi) kể: “Tôi bị vướng thủ tục giấy tờ nên chưa thể mua bảo hiểm y tế được. Hồi trước giờ, đã quen rồi, mỗi khi bệnh lặt vặt, tôi ghé trạm xá kế bên nhà, không tốn kém bao nhiêu chi phí. Giống như hôm nay, đang đi giao đồ cho khách thì tôi bị choáng, mệt mỏi. Vào trạm xá, có điều kiện nằm nghỉ ngơi, bác sĩ điều trị nhanh chóng, nhiệt tình, tôi yên tâm lắm”.

Tất bật thăm khám, lấy thuốc, truyền nước cho nhiều bệnh nhân cùng lúc, thiếu tá Phan Thanh Việt được bà con biết mặt, biết tên một cách thân thuộc. Anh Việt phụ trách trạm xá quân dân y này hàng chục năm, gắn bó với nhiều thế hệ người dân địa phương, hiểu rõ tiền sử bệnh tật của họ. Gần như một mình anh phụ trách xuyên suốt hoạt động của trạm, ngày lẫn đêm.

“Chủ yếu, tôi điều trị ban đầu cho bệnh nhân; chẩn đoán họ mắc bệnh gì rồi chuyển về tuyến trên để họ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Trường hợp đặc biệt, đến trạm xá trễ, cần được theo dõi, đợi sức khỏe ổn định thì tôi cho bệnh nhân lưu trú cả đêm, hôm sau xử lý tiếp theo quy trình khám, chữa bệnh” - thiếu tá Phan Thanh Việt thông tin.

Bệnh nhân tìm đến trạm xá phần lớn mắc bệnh thông thường, như: Tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sốt nghi nhiễm siêu vi, huyết áp… Điều kiện vật chất, trang thiết bị, thuốc men tại trạm xá cũng chỉ đáp ứng cơ bản quá trình điều trị này. Tuy nhiên, trạm xá vẫn là địa chỉ tin cậy, là “điểm tựa” cho người dân xung quanh khu vực gửi gắm sức khỏe của mình. Thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, nhiều người dân Campuchia trong quá trình qua lại làm ăn, thăm thân, cũng ghé trạm xá nhờ hỗ trợ điều trị.

Trung tá Lê Ngọc Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình thông tin: “Trạm xá quân dân y nhiều năm nay được xem là nơi trao gửi niềm tin, gắn kết hiệu quả giữa người dân khu vực biên giới với cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Không chỉ người dân thị trấn Long Bình, mà các xã lân cận như Khánh An, Khánh Bình vẫn đến khám, điều trị thường xuyên. Cán bộ trạm xá còn tham gia cùng địa phương phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong cao điểm chống dịch COVID-19, góp phần cùng chăm sóc sức khỏe Nhân dân”.

Tại An Giang, ngoài Trạm xá quân dân y của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, có thêm 2 trạm xá tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương và Đồn Biên phòng Vĩnh Gia. Đây là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu tại khu vực biên giới, do đồn biên phòng đảm trách. Sự ra đời của mô hình góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe Nhân dân, được triển khai từ năm 1991 đến nay. Thời điểm ấy, mạng lưới y tế cơ sở cả nước gặp khó: Cán bộ y tế thiếu, cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu, xuống cấp; hơn 800 xã không có trạm y tế.

Giai đoạn 2001 - 2010, chương trình nằm trong Dự án kết hợp quân dân y (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS). Giai đoạn 2011 - 2020, mô hình được triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Từ đây, nhiều vấn đề bức xúc của công tác y tế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới được giải quyết hiệu quả. Trạm xá quân dân y thực sự là “cánh tay nối dài” của trạm y tế xã đến tận thôn, ấp của người dân biên giới, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Giờ đây, hệ thống y tế cơ sở phát triển rộng khắp, chất lượng ngày càng được nâng cao. Người dân có nhiều sự lựa chọn hơn, tiện lợi hơn trước rất nhiều. Trạm xá quân dân y đồn biên phòng có thể xem như hoàn thành “sứ mệnh” được giao. Tuy nhiên, các trạm xá vẫn được duy trì, thầy thuốc quân hàm xanh vẫn bám trụ với biên giới. Mỗi hoạt động của trạm xá tiếp tục góp phần tích cực trong việc “giữ dân”, an dân, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, càng in đậm vai trò người lính biên phòng ở vùng biên cương Tổ quốc.

GIA KHÁNH