Độc đáo nghi lễ ăn mừng tiếng sấm của đồng bào Thái
Theo lịch cổ của đồng bào dân tộc Thái, năm mới được tính từ khi có tiếng sấm diễn ra sau Tết Nguyên đán. Trong những ngày này, bà con dân bản đổ về nhà thầy mo để tổ chức lễ “Kí chốm phả hóng” (lễ ăn mừng tiếng sấm), nhằm tạ ơn trời đất đã ban tiếng sấm để có được “những cơn mưa cho cây cối sum suê, tươi tốt; gia súc, gia cầm khỏe mạnh; người người hạnh phúc, no ấm…”.
Nghi lễ truyền thống độc đáo
Khi có tiếng sấm đầu tiên trong năm rền vang (từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch), điều đầu tiên các ông bố, bà mẹ làm là gọi báo cho con cái, anh em trong gia đình được biết. Sau đó, những người lớn tuổi đi khắp trong nhà mình, đi đến đâu chủ nhà cũng chạm tay vào các đồ dùng, vật dụng với ý nghĩa “đánh thức” chúng dậy và báo cho biết ông trời đã cho ngày đẹp của năm mới.
Cùng thời điểm này, các bà, các mẹ luộc trứng phát cho mỗi người trong gia đình một quả để rửa mặt, cầm quả trứng gà xoa đều lên mặt và đọc câu khấn bằng tiếng Thái: “Xuồi na phá hoọng, pí mờ dù đí, còi ci còi dù hơ na mốt nừng xày na mảy nừng tánh, Hánh nừng cháng, nừng má”. Tạm dịch nghĩa là: “Rửa mặt mừng tiếng sấm, mừng năm mới, cầu cho mặt mình được trắng trẻo như trứng gà bóc, được trơn tru như quả dưa, mạnh khỏe như voi, như ngựa trong rừng…”
Xong việc rửa mặt, rửa trứng, trẻ nhỏ dùng ống nứa rỗng hai đầu để hút nước súc miệng với ý nghĩa, mong năm mới mọi việc sẽ thông suốt, trôi chảy, trẻ con thông minh nhanh trí. Sau việc hút nước, trứng gà được luộc chín và mọi người đều ăn quả trứng phần mình.
Kết thúc nghi lễ này, người lớn và trẻ nhỏ ăn mặc tươm tất cùng đến nhà thầy mo, không quên mang theo lễ vật khác tùy theo khả năng kinh tế của gia đình, lễ hội đón tiếng sấm đầu năm chính thức bắt đầu ở nhà thầy mo của bản. Đây là một tục lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Bắc Nghệ An.
Tiếng sấm báo hiệu niềm vui
Thầy mo, người được coi là cầu nối giữa thần linh với mọi người sẽ cùng già làng, trưởng bản thông qua tiếng sấm nghe được đầu năm để nêu dự đoán về mọi diễn biến của bản làng trong năm mới. Thầy mo thường dựa vào kinh nghiệm nhiều năm, các dự đoán cũng khá chính xác và đều mang yếu tố vui vẻ, tốt đẹp, tạo sự hoan hỉ phấn khởi cho mọi người.
Theo thầy mo Lương Văn Châu, ở bản Đôm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), cho biết: “Tiếng sấm vang đến từ từ, nghe từ xa đến gần và kèm theo mưa nhỏ đến vừa thì năm đó thời tiết sẽ ôn hòa với con người và vạn vật, mùa màng bội thu. Còn nếu tiếng sấm vang kèm theo những tia sét và mưa to, gió lớn thì năm đó thời tiết sẽ khắc nghiệt hơn”...
Trong suốt thời gian diễn ra lễ “Kí chốm phả hỏng”, thầy mo sẽ tổ chức mâm cúng trời đất, vạn vật; đồng thời bên trong ngôi nhà của thầy mo sẽ luôn vang lên tiếng cồng, tiếng chiêng không ngớt và uống rượu cần mừng năm mới. Cũng trong dịp này, thầy mo sẽ buộc chỉ cổ tay cho các con nuôi để chúc năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.
Không cầu kỳ, lãng phí, không nhuộm màu mê tín dị đoan...có thể nói, lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của đồng bào Thái mang ý nghĩa tốt đẹp, lễ nghi đơn giản và thiết thực; đây còn là dịp tập hợp, động viên mọi người đoàn kết, chăm chỉ siêng năng, cùng nhau xây dựng xã hội ngày càng phát triển phồn vinh hơn.