Ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh và Truyền hình huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết, huyện Phú Hòa được giao đảm trách tiết mục trình diễn di sản bài chòi trong Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên năm 2024. Đây là một trong những hoạt động song hành nhân dịp Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024 (Tiền Phong Marathon 2024). Nghệ nhân và các cộng tác viên tề tựu về huyện Phú Hòa, cùng nhau trau chuốt cho tiết mục phục vụ công chúng. Ảnh: Phạm Nguyễn. Nghệ nhân ưu tú Tuấn Minh thời trẻ đi biển mưu sinh, từ năm 2013 anh cộng tác với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển để theo đuổi đam mê thuật dân dân gian, đặc biệt là bài chòi. Nghệ thuật bài chòi Trung bộ của Việt Nam được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào cuối năm 2017. Tỉnh Phú Yên có nhiều chính sách bảo tồn, phát huy và trao truyền di sản. Bài chòi Phú Yên cũng bắt nguồn từ trò giải trí dân gian thô mộc, sau đó phát triển thành sân khấu hiện đại của ca kịch bài chòi như ngày nay. Người dân tham gia hội bài chòi được đáp ứng nhu cầu giải trí từ một trò chơi, được chiêu đãi tiệc âm nhạc - sự kết hợp giữa nhạc, ca và múa. Bên cạnh tinh thần chung của nghệ thuật bài chòi Trung bộ, bài chòi xứ Quảng, xứ Nẫu... đều do cộng đồng bản địa là người sở hữu và thực hành di sản gìn giữ, phát triển, vì thế mang đặc trưng riêng của từng vùng đất. Bộ bài/thẻ bài gồm 27 hoặc 33 thẻ bài tỳ và 9 hoặc 11 thẻ bài con đều làm bằng tre, được vẽ hoặc dán hình mang ý nghĩa tượng trưng được ứng với mỗi câu thai và có tên gọi nôm na, như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Tam Quăng, Tứ Cẳng, Ba Gà, Bảy Thưa,… Bộ bài được chia làm 3 pho gồm pho văn, pho vạn và pho sách. Ảnh: Phạm Nguyễn. Nghệ nhân ưu tú Tuấn Minh cho biết, ở loại hình bài chòi dân gian, anh hiệu có vai trò rất quan trọng trong cuộc chơi bài chòi, thường là người có tài ứng đối “xuất khẩu thành thơ”, chất giọng khỏe, có tài diễn xuất, biết đặt câu thai sao cho phù hợp với lá bài một cách nhanh nhất, dí dỏm. Tuy nhiên giờ đây không còn bó hẹp ở một anh hiệu, có thể có nhiều hơn, thậm chí có cả chị hiệu - điều mà xưa kia không được phép. Ảnh: Phạm Nguyễn. Đối với loại hình ca kịch bài chòi như ngày nay, tiết mục trình diễn thường chỉ gói gọn dưới 20 phút, nên các phần hô bài chòi, ca hát được phân bổ cho các nghệ nhân, diễn viên sao cho hấp dẫn và đặc sắc nhất. Từ bốn làn điệu bài chòi cổ, các nghệ nhân đưa thêm một số làn điệu mới làm phong phú hơn nghệ thuật bài chòi trong bối cảnh đương đại. Ảnh: Phạm Nguyễn. Việc trao truyền di sản đối với bài chòi gặp khó khăn nhất định, do nhiều người trẻ ưa thích loại hình giải trí hiện đại nên chưa tìm hiểu để thấy được hết giá trị và sự hấp dẫn của bài chòi. Không gian ven biển, nông nghiệp là nơi phát sinh bài chòi dân gian ngày nay biến đổi không ngừng, khiến cho việc thực hành ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nghệ nhân bài chòi cho biết, lãnh đạo tỉnh Phú Yên và chính quyền cơ sở rất quan tâm tới việc truyền dạy, phát triển bài chòi ở các nghệ nhân trẻ kế cận. Ảnh: Phạm Nguyễn. Chị Hoàng Cầm (ngồi ngoài cùng bên trái) coi bài chòi là đam mê, bên cạnh công việc của giáo viên tiếng Anh. Chị thường cộng tác với các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn bài chòi ở nhiều địa phương. Để có được chất giọng ngọt, chị Cầm trải qua quá trình tự rèn luyện kiên trì. Chị là học trò của nghệ nhân ưu tú Tuấn Minh, trước đó được một nghệ nhân đờn cổ chỉ dạy về nghệ thuật bài chòi. Chị hy vọng, bài chòi sớm được đưa vào trường học để thế hệ trẻ được học bài bản hơn, nảy nở tình yêu với di sản của cha ông. Ảnh: Phạm Nguyễn.
Nguyên Khánh - Phạm Nguyễn