Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới
Tỉnh Sóc Trăng hiện đang nâng cấp, đầu tư phát triển nhiều điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch tỉnh nhà. Để đi đúng hướng với mục tiêu đề ra, Sóc Trăng đang triển khai xây dựng nhiều cụm du lịch cộng đồng trọng điểm, bước đầu cho nhiều kết quả khả quan.
Sóc Trăng với lợi thế về thực địa trù phú, cảnh quan sông nước nhộn nhịp, môi trường sinh thái nông nghiệp phát triển và là nơi giao thoa giữa 3 nền văn hoá Kinh – Khmer – Hoa. Điều đó, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho Sóc Trăng hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ngoài vị trí địa lý thuận lợi với chiều dài sông Hậu và hệ thống các cù lao, cảng biển Trần Đề… Vùng đất này còn có nhiều tiềm năng, thế mạnh về các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng,...
Bước đầu đã hình thành 3 cụm du lịch cộng đồng gồm Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước gắn liền với loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đậm chất Tây Nam Bộ; Cụm du lịch cộng đồng Cù Lao Dung gắn liền với loại hình du lịch xanh khám phá thiên nhiên, lịch sử và Cụm du lịch cộng đồng xã Hưng Phú (huyện Mỹ Tú) gắn liền với không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ. Tại đây, du khách có thể tham quan vườn cây ăn trái, chống xuồng thả lưới đánh bắt thủy sản cùng người dân... Qua đó, du khách sẽ có cơ hội khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về quá trình lịch sử mà cha ông ta đi mở ở cõi vùng đất này; hay cùng người dân thu hoạch nông sản và tự mang bán tại chợ nổi Ngã Năm (TX. Ngã Năm).
Một điểm sáng khác về du lịch cộng đồng Sóc Trăng nữa là cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) được chọn triển khai mô hình khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Theo đó, mô hình được xây dựng với các nội dung chính như: Đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tàu vận chuyển khách du lịch; đầu tư một số điểm dừng chân, điểm và bãi đỗ xe, xây dựng điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đồ lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, xây dựng hệ thống điện và nước sạch, nhà vệ sinh, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, điểm thu gom và xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe… với khái toán kinh phí thực hiện lên đến 12,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sóc Trăng còn gặp nhiều khó khăn, trong việc định hướng và phát triển bền vững loại hình du lịch này. Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý: ”Phần lớn các hoạt động du lịch nông thôn hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa thực sự hấp dẫn du khách. Các dịch vụ được cung cấp còn đơn giản và chưa chuyên nghiệp. Người dân phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đa số quy mô hộ gia đình. Do đó, phương thức kinh doanh, quy mô sản suất kinh doanh cũng như khả năng liên kết, kết nối tour tuyến và năng lực về tài chính còn nhiều hạn chế nên ngại đầu tư phát triển. Đồng thời, còn thiếu kinh nghiệm trong hướng dẫn, kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ du khách. Đặc biệt là kỹ năng hướng dẫn, thuyết minh nên chưa thật sự phục vụ tốt khách du lịch”.
Để có những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sóc Trăng đang nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.
Song song đó, việc thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường nông thôn, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch, phù hợp nhu cầu của khách du lịch. Từ đó, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa. Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch, tích cực góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới.