Thắp lửa tình yêu di sản cho học sinh
Là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, Phú Thọ còn lưu giữ được hệ thống di sản văn hóa đa đạng, phong phú. Việc xây dựng mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” và đưa giáo dục di sản trở thành lĩnh vực quan trọng trong nội dung giáo dục địa phương với những cách làm sáng tạo đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, thắp lên tình yêu di sản đối với học sinh.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”, cách vận dụng sáng tạo mô hình “Trường học gắn với cuộc sống” nhằm khơi gợi tình yêu di sản trong các em học sinh. Giáo dục về di sản vùng Đất Tổ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng, Hát Xoan Phú Thọ... có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh đối với học sinh trong các nhà trường, đồng thời cũng là một lĩnh vực quan trọng trong nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.Lĩnh vực văn hóa - lịch sử địa phương được xây dựng xuyên suốt gắn với các chủ đề dạy học từ cấp tiểu học, THCS đến THPT, góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của vùng Đất Tổ. Giáo viên các bộ môn đã chuyển tải đến cho các em hiểu biết về lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương, các lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, phong tục, tập quán địa phương... và những kỹ năng cần thiết về bảo vệ di sản, sưu tầm tranh ảnh, vẽ, sáng tác, tuyên truyền giới thiệu về các di sản văn hoá, phong tục, tập quán đồng bào Mường, Dao, Mông, Cao Lan...
Em Tạ Hiền Anh- học sinh Trường THCS Gia Cẩm, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Học về lĩnh vực văn hóa, lịch sử, truyền thống trong GDĐP em được tìm hiểu về những nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh như Trạng nguyên Vũ Duệ, Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, anh em dũng tướng Hà Đặc, Hà Chương và lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật của các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh như Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Đình Hùng Lô...”.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục còn tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu tại các di tích lịch sử văn hóa, thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tham gia hát Xoan, giúp các em hiểu rõ hơn về con người, truyền thống văn hóa, lịch sử vùng Đất Tổ... chủ động tìm hiểu, khám phá, chắt lọc thông tin để bổ sung kiến thức cho bản thân.
Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong chương trình GDĐP của tỉnh, lĩnh vực văn hóa - lịch sử địa phương được xây dựng xuyên suốt gắn với các chủ đề dạy học. Trong đó, nội dung các chủ đề hướng tới đều có liên quan mật thiết đến truyền thống vùng Đất Tổ, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng, Hát Xoan Phú Thọ. Các em được tìm hiểu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thông qua video giới thiệu, tham gia trải nghiệm tại các di sản và các bài học cụ thể, giúp các em hiểu hơn về lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”, đẩy mạnh công tác giáo dục di sản trong nhà trường, giúp học sinh biết quý trọng, phát huy giá trị của di sản.
Để lan tỏa tình yêu di sản trong học sinh, các trường, các địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu di sản văn hóa của quê hương mình.
Đến Trường THCS Võ Miếu, huyện Thanh Sơn trong dịp nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khoá “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc”, chúng tôi được thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống của đồng bào Mường và điệu múa của đồng bào Dao, được nghe các em học sinh giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc, tìm hiểu về công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt của đồng bào Mường. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, giúp các em hiểu thêm về giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Trên địa bàn huyện Thanh Sơn hiện đã thành lập được 30 câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân tộc trong các trường học. Các nhà trường đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào các tiết học và các hoạt động ngoại khóa, từ đó nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Việc thành lập các CLB văn hóa dân tộc, duy trì, mở rộng góc học tập gắn với trưng bày không gian văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc khác ngay trong khuôn viên nhà trường, tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tham quan di tích lịch sử văn hóa, mời các các nghệ nhân trong xã truyền dạy những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của người Mường, người Dao... giúp học sinh có thêm sự say mê, hiểu biết hơn về văn hoá dân tộc...
Triển khai mô hình “Trường học gắn với văn hóa truyền thống địa phương- không gian văn hóa Mường”, từ năm học 2017-2018, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Tân Sơn, huyện Tân Sơn đã vận động phụ huynh học sinh và người dân ủng hộ các hiện vật là những công cụ lao động, sinh hoạt, nhạc cụ, trang phục đặc trưng của người Mường như bộ khung cửi dệt vải, íu bông, ớp, cóm, rế, hông xôi, chăn, gối bông lau... để trưng bày, tạo nên không gian văn hóa Mường trong trường học, đồng thời mời các nghệ nhân đến dạy cho các em những làn điệu Ví, Rang, diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống; cán bộ, giáo viên nhà trường sưu tầm các loại tài liệu liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương, ghi chép lại lời bài hát, truyện cổ để xây dựng thành bộ tài liệu lưu giữ tại thư viện nhà trường, đưa ra thư viện xanh để học sinh đọc và hiểu thêm về bản sắc văn hóa Mường.
Là trường học ở trên địa bàn có ba phường Xoan gốc, Trường THCS Kim Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì triển khai dạy hát Xoan từ cuối năm 2011, thành lập CLB hát Xoan tháng 3/2012. Hiện nay nhà trường có một CLB hát Xoan nòng cốt với 47 thành viên và 16 CLB hát Xoan của các lớp với tổng số 645 thành viên, nhiều em học sinh của trường sinh ra và lớn lên trong cái nôi hát Xoan, gia đình có nhiều thế hệ cùng tham gia hát Xoan. Hàng tuần, các nghệ nhân hát Xoan tham gia dạy hát Xoan cho học sinh tại nhà trường hai buổi chiều/tuần và dàn dựng các tiết mục khi tham gia các chương trình lớn hay tham gia các hội thi do cấp trên tổ chức.
Các thành viên CLB hát Xoan của Trường THCS Kim Đức đã đạt được nhiều giải nhất, nhì trong các cuộc Liên hoan hát Xoan thanh, thiếu nhi thành phố Việt Trì và trình diễn trong nhiều chương trình, sự kiện lớn của tỉnh. Nhà trường triển khai giáo dục di sản tích hợp trong nội dung GDĐP về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ, tạo cho các em hiểu biết, ghi nhớ và yêu thích giá trị văn hóa của địa phương mình, góp phần lan tỏa tình yêu di sản trong tuổi trẻ học đường.