Người Dao ở Nặm Đăm vui khỏe nhờ làm du lịch cộng đồng
Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là nơi sinh sống của người Dao chàm. Cả thôn có 65 hộ dân thì có tới hơn 40 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng. Công việc này mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định, cao gấp nhiều lần so với việc làm nông nghiệp, giúp người dân ở đây sống vui, sống khỏe và có thêm nhiều cơ hội phát triển.
Cuộc sống đổi thay nhờ du lịch
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân tới Nặm Đăm là bầu không khí trong trẻo cùng với những nụ cười thân thiện, niềm nở của người dân bản địa. Tất cả những ngôi nhà ở Nặm Đăm đều được làm bằng đất theo kiến trúc truyền thống của dân tộc Dao, nằm yên bình trong không gian tươi xanh của núi rừng hoang sơ, gây ấn mạnh không chỉ với chúng tôi mà còn cả với du khách quốc tế khi đặt chân tới đây. Không chỉ có vậy, Nặm Đăm còn khiến du khách phải trầm trồ, thích thú khi được trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ nguyên vẹn.
Anh Lý Tả Quân, chủ một homestay ở Nặm Đăm chia sẻ: “Chúng tôi không xây nhà bằng bê tông cốt thép mà chỉ sử dụng vật liệu gỗ, đất, đá để làm nhà trình tường theo truyền thống ông cha để lại. Đây cũng là cách để chúng tôi giữ gìn bản sắc văn hóa và thu hút khách du lịch. Nhà trình tường mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Ngôi nhà của gia đình tôi làm từ năm 1998, đến bây giờ vẫn đẹp và vững chắc, khách du lịch đến nhà tôi đều thích thú’’.
Để đáp ứng các tiêu chí của du lịch cộng đồng, khuôn viên các homestay ở Nặm Đăm đều được chủ nhà đầu tư xây dựng sạch đẹp, trồng hoa, cây cảnh và trang trí xung quanh. Người dân hạn chế tối đa các tác động vào cảnh quan thiên nhiên vốn có. Các homestay đều được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn xen lẫn nhà trình tường, khu vực vệ sinh được xây dựng khép kín, hiện đại, sạch sẽ. Anh Lý Tả Quân cho biết: “Homestay của gia đình tôi có 3 bungalow và 1 nhà sàn có 5 phòng, tất cả đều làm bằng đất, lợp ngói với sức chứa được hơn 20 khách. Khi xây dựng homestay, tôi và các hộ dân ở đây đều cố gắng không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên vốn có mà luôn ý thức làm cho không gian của thôn đẹp hơn bằng việc trồng thêm nhiều cây xanh, trang trí thêm các bờ rào, cây hoa’’.
Nhắc tới chuyện thu nhập từ du lịch, anh Quân phấn khởi khẳng định: “So với làm ruộng thì làm du lịch cộng đồng mang lại thu nhập tốt hơn nhiều. Từ ngày làm du lịch, thôn chúng tôi như được thay da, đổi thịt, nhà cửa khang trang, đường sá được đầu tư đi lại thuận tiện, hộ nghèo giảm đi nhanh chóng’’.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đến đây từ hôm qua và rất ấn tượng với những trải nghiệm ở đây. Chúng tôi đã tắm lá thuốc của người Dao, tham gia chế biến các món ăn truyền thống của người dân bản địa, đi chợ vùng cao. Đó là những kỷ niệm rất đáng nhớ với gia đình tôi’’.
Trong bộ trang phục truyền thống, chị Phàn Thị Liệt cẩn thận quét dọn vệ sinh, thay chăn, ga, gối mới trong các bungalow để đón đoàn khách từ Hà Nội sắp tới nhận phòng. Chị kể: “Dịp cuối tuần khách lên rất đông nên có những lúc nhà tôi kín phòng, phải giới thiệu khách sang các homestay bên cạnh. Sở thích của khách là khác nhau, có đoàn thích nghỉ căn hộ, có đoàn lại thích ở nhà sàn, chúng tôi đều cố gắng đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách”.
Gia đình chị Phàn Thị Liệt làm homestay từ 5 năm trước. Nhà chị có 4 bungalow và 1 nhà sàn, phục vụ chỗ nghỉ cho khoảng 25 người. Nhận thấy số lượng khách tới nghỉ dưỡng tăng lên hàng năm, năm nay, chị Liệt đang xây dựng thêm 3 phòng ngủ. “Khách du lịch đến đây nghỉ ngơi, ngắm cảnh quanh năm, nhưng đông nhất là những tháng cuối năm. Những homestay có kết nối với các hãng du lịch thì hầu như tối nào cũng có khách. Làm du lịch giúp gia đình tôi có thu nhập hàng tháng trung bình khoảng 7 triệu đồng. So với làm ruộng, làm nương thì số tiền này lớn hơn nhiều’’ – chị Liệt vui vẻ cho biết.
Tăng cường quảng bá trên mạng xã hội
Hỏi chuyện người dân, chúng tôi được biết, người Dao ở Nặm Đăm biết làm du lịch cộng đồng một cách bài bản bắt đầu từ khi được Tổ chức Caritas (Thụy Sĩ) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đầu tư thực hiện dự án phát triển cộng đồng. Được thực hiện trong 2 năm 2012-2014, dự án đã hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm du lịch thông qua việc xây dựng các tuyến trekking, tổ chức các tour, tuyến, điểm tham quan và nhà lưu trú homestay, đồng thời, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng làm du lịch để đón tiếp du khách.
Từ số ít hộ làm du lịch cộng đồng ban đầu, đến nay, 2/3 hộ dân ở Nặm Đăm cung cấp dịch vụ lưu trú homestay và các dịch vụ đi kèm khác. Điều đáng quý ở đây là tính cộng đồng của người dân rất cao. Họ đoàn kết, chia sẻ với nhau về mọi điều trong cuộc sống, công việc, giúp đỡ nhau đón khách du lịch. “Chúng tôi luôn bảo ban nhau phải làm các dịch vụ thật chu đáo, đàng hoàng để vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi” - chị Tẩn Thị Nhung chia sẻ.
Chị Nhung là chủ homestay Kiên Mán, phục vụ dịch vụ lưu trú từ năm 2018. Nhà chị có 8 phòng ngủ có thể đón được 18 khách. Chị cho biết: “Từ ngày làm du lịch, thu nhập của gia đình tôi ổn hơn so với chỉ làm nông nghiệp. Tháng nào có nhiều khách, tôi có thể thu được khoảng 20 triệu đồng. Để khách du lịch biết tới nhiều hơn, tôi thường quảng bá homestay của gia đình trên mạng facebook và zalo, bán trên trang booking.com”.
Dù du lịch cho thu nhập ổn định, nhưng chị Nhung và nhiều chủ homestay khác vẫn duy trì việc làm nông nghiệp. “Thu nhập chính là từ du lịch nhưng chúng tôi vẫn làm ruộng, trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi. Việc làm nông bây giờ là để phục vụ du lịch, bởi ngoài cung cấp dịch vụ ngủ nghỉ, chúng tôi cũng phục vụ nhu cầu ăn uống của khách. Chúng tôi tự tay nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp để cung cấp nguyên liệu sạch cho các bữa ăn của du khách, vừa tươi ngon, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - chị Nhung lý giải.
Nói về phương hướng phát triển du lịch, chị Nhung cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá du lịch cộng đồng Nặm Đăm trên mạng xã hội và thông qua sự giới thiệu của các du khách đã từng đến đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn được đầu tư xây dựng thêm các khu check-in để cho du khách có thể lưu những bức ảnh đẹp, lan tỏa tới nhiều người hơn nữa".