Phát triển - Hội nhập

Ông chủ 9X người Thái trên vùng đất khó

Tăng Thúy 28/03/2024 - 13:31

Những người dân ở bản Din, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, (Thanh Hóa) gọi Hà Văn Thương là Thương “gà” để phân biệt với người đàn ông tên Thương khác ở địa phương. Gọi như thế bởi anh là chủ của trang trại gà lớn nhất huyện Quan Sơn.

28-3-1-son-ga.png
Anh Thương tất bật với công việc tại trang trại nhà mình. Ảnh: Tăng Thúy

Trại gà của Thương nằm sâu trong rừng luồng, cạnh con suối nhỏ. Theo chủ trang trại, gà sau khi đưa về sẽ được nuôi úm 1 - 2 tháng đầu. Giai đoạn này, gà con cần được nuôi nhốt tập trung, bật điện sưởi ấm cả ngày lẫn đêm, cũng như tiêm phòng bệnh đầy đủ. Khi gà phát triển ổn định mới thả ra ngoài tự nhiên.

Thương và người vợ trẻ đảm nhiệm hầu hết công việc chăn nuôi trong trang trại từ thái rau, trộn cám, tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại. Tuy công việc vất vả, nhưng chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui trên khuôn mặt của anh.

Năm 2012, Thương trở về địa phương sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc. Học tập từ những tấm gương lập nghiệp phát triển kinh tế, năm 2014, anh bắt đầu chăn nuôi, tận dụng 1ha diện tích đất rừng của gia đình để làm chuồng trại. Ban đầu, anh nuôi lợn cổ địa phương và vịt siêu trứng. Khi vịt đến thời kỳ đẻ trứng thì trên địa bàn huyện xuất hiện dịch cúm A/H5N1. Trứng không bán được phải cho lợn ăn, anh đã quyết định thanh lý vịt giống với giá vịt thịt, lỗ vài chục triệu đồng.

Buồn nhưng không nản lòng, anh quyết định chuyển đầu tư hoàn toàn sang nuôi gà bán chăn thả. Ngoài nhà nuôi, toàn bộ trại được quây lưới để gà không bay ra ngoài. Đồng thời, với hơn 100 triệu đồng tiền vốn vay từ nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp và vay Ngân hàng Chính sách xã hội, anh tìm về Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn chăn nuôi tại Hà Nội mua gà ri Lạc Thủy và Mía số 1 - Dabaco giống về nuôi vì nhận thấy đây là loại gà mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với địa hình mà gia đình anh đang có. Liều lĩnh và táo bạo, ngay từ lứa gà đầu tiên, anh đã nuôi 1.000 con.

Do chưa có kinh nghiệm, lứa gà đầu tiên chết gần 500 con. Nhưng được vợ động viên, vực lại tinh thần anh bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà trên sách, báo, Internet. Hiểu rõ thêm về đặc tính của giống gà, việc phòng bệnh và chăm sóc, dần dần công việc chăn nuôi đi vào quỹ đạo, lứa gà nào cũng khỏe mạnh, lớn nhanh.

Khi đã thành công bước đầu, anh tìm đến các thương lái để có một đầu ra sản phẩm ổn định cho trang trại. Gà được nuôi thả dưới cánh rừng luồng mát mẻ là điều kiện lý tưởng giúp đàn gà phát triển nhanh; lại được cho ăn lúa, ngô, cám tổng hợp, gà còn tự kiếm các loại thức ăn khác từ tự nhiên nên rất khỏe mạnh, thịt săn chắc, mùi vị thơm ngon. Vì vậy, gà từ trang trại của anh rất được giá. Thương cho biết trang trại của mình có từ 4.000 - 6.000 con gà được nuôi theo hình thức nuôi gối lứa, nên tháng nào cũng có gà xuất chuồng. Ngoài ra, anh còn sở hữu 50 con lợn giống cổ địa phương, 20 con dê và 6 con bò.

Sau gần 7 năm bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình, không những trả hết nợ ngân hàng mà với mức thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm, Thương “gà” đã trở thành một điển hình làm giàu ở địa phương, nhiều người dân trong xã đã mạnh dạn học tập, dù quy mô chưa thể bằng nhưng nhiều tín hiệu vui đã đến với bà con.

“Trung Hạ có điều kiện để phát triển chăn nuôi, nhưng cái khó vẫn là vốn và kinh nghiệm. Giờ vốn đã có ngân hàng chính sách hay quỹ của các tổ chức xã hội, kinh nghiệm làm rồi sẽ có, cái quan trọng nhất là phải học, phải mạnh dạn, chấp nhận cả thất bại, thì mới mong có thành công”, Thương đúc rút kinh nghiệm.

Anh Hà Công Úy, Chủ tịch UBND xã Trung Hạ cho biết: Thương còn trẻ nhưng rất táo bạo trong phát triển kinh tế, là điển hình cho những người trẻ nỗ lực làm giàu tại quê hương, thay vì làm thuê ở phương xa.

Chia tay Thương, hình ảnh chàng trai người Thái thân thiện, hoạt bát, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ gây ấn tượng mạnh mẽ cho chúng tôi. Anh dũng cảm bước qua “vùng an toàn” của bản thân, dũng cảm vượt qua những khó khăn gặp phải của hiện tại để khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của quê hương mà làm giàu. Điều đó thật đáng trân trọng và cần được tạo điều kiện để nhân rộng.

Tăng Thúy