Pháp đình

Giá mà “cơm sôi nhỏ lửa”…

Bá Mạnh 28/03/2024 - 09:12

Trịnh Xuân Tuyền đã sai khi để cơn nóng giận lấn át và rồi Tuyền ra tay với vợ mình trong cơn lửa giận. Chẳng ai có thể tha thứ nhưng sau câu chuyện buồn đó, người dự khán vẫn dành cho Tuyền những ánh mắt đầy cảm thông.

Trịnh Xuân Tuyền (42 tuổi, trú xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đứng trước bục khai báo với nỗi ân hận giằng xé, không một lời biện minh, Tuyền nhận lỗi lầm do mình gây ra. Vợ Tuyền, bị hại trong vụ án cũng ngân ngấn nước mắt, trách mình phận nữ nhưng lại “thắng thua” để rồi đẩy chồng vào vòng lao lý.

Tuyền và vợ là chị Phan Thị T. có cuộc hôn nhân khá bình lặng, cuộc sống không khá giả nhưng cũng chẳng phải quá thiếu thốn, hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, ngày làm ruộng, tối về thả trúm bắt lươn mưu sinh nuôi nấng 3 con nhỏ.

Cũng như những cặp vợ chồng khác, cuộc sống dẫu hòa hợp đến mấy cũng có lúc “khắc khẩu” bất hòa, chỉ tiếc rằng trong cơn nóng giận, chẳng ai nhịn nhau để rồi lâm cảnh bi thương.

Khoảng 18h30 ngày 14/6/2023, vợ chồng Tuyền đang ở nhà thì có người cháu đến nhà hỏi chuyện đi giỗ một người bà con. Chị T. trả lời “hỏi chú mi (mày-PV) ấy”.

Do đang mệt và không muốn đi, Tuyền nói với cháu “mi hứng thì đi, chú mệt không đi”. Sau câu nói đó, vợ chồng Tuyền to tiếng, cãi vã.

33333.jpg
Bị cáo Trịnh Xuân Tuyền tại phiên sơ thẩm.

Cái tôi quá lớn khiến chị T. đôi co, “thắng thua” với chồng. Tuyền biết tính vợ nên lẳng lặng bỏ đến nhà bố đẻ (ở trước nhà Tuyền). Thấy chồng đi, chị T. cũng đi theo, hai vợ chồng tiếp tục cãi nhau.

Tuyền kêu đau đầu và bảo vợ im lặng, đuổi về, dọa nếu không nghe lời sẽ đánh. Thay vì im lặng, chị T. bảo "làm được gì thì về mà làm, đừng có dọa".

Sự hòa thuận không dành cho những ai thích lý sự, hiếu thắng, càng không có chỗ cho những ai không biết “ăn làm sao, nói làm sao” cho vừa. Vợ Tuyền cũng vậy, thấy chồng bực bội, thay vì bớt lời để không khí căng thẳng được giảm đi lại “đôi co” để tìm phần thắng.

Về đến nhà, hai vợ chồng tiếp tục cãi vã, 3 đứa con thấy bố cầm dao, lớn tiếng, hoảng sợ khóc ầm lên. Tiếng khóc của con khiến Tuyền dịu xuống, đặt con dao xuống bàn, Tuyền bỏ xuống bếp hút thuốc lào.

Thấy chồng hạ hỏa, chị T. lại càng lấn ướt, chuyện mới, chuyện cũ đều được đem ra làm câu chuyện trách móc khiến Tuyền như “con thú dữ”. Tay cầm lại dao, Tuyền đuổi vợ ra khỏi nhà với câu nói đầy uất ức “Không tránh đi tau giết”. Người cháu trai đến nhà, thấy thế liền ôm chú can ngăn. Lúc này, vợ Tuyền đã chạy ra đến cổng nhưng vẫn ngoảnh lại, thách thức “giết được thì giết đi”.

Lời nói đầy thách thức như giọt nước tràn ly, Tuyền vùng thoát khỏi tay người cháu, đuổi theo vợ rồi trút hết sự căm giận bằng những nhát dao vô tình. Lúc này, người cháu cũng đuổi kịp, lao vào căn ngăn.

Chị T. được đưa đi cấp cứu với nhiều vết thương ở bụng, khoang ngực, lưng, tay,... được xác định tổn hại 84% sức khỏe.

Còn Tuyền sau khi gây án đã đến cơ quan công an xin đầu thú. Việc vợ mình không chết là do được cấp cứu kịp thời, hành vi của Tuyền đã đủ cấu thành tội “Giết người”.

Tại phiên sơ thẩm do TAND tỉnh Nghệ An xét xử vừa qua, Tuyền nhận hết lỗi lầm, mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về, bù đắp cho vợ và nuôi các con ăn học.

Vợ Tuyền ở hàng ghế bị hại cũng khóc nấc lên trong sự hối hận của một người làm vợ, làm mẹ khiến cho những người dự khán càng thêm ái ngại.

Phiên xử hôm nay đáng nhẽ sẽ chẳng xảy ra nếu không có sự thắng thua, thách thức của ngày hôm đó. Nói vậy không có nghĩa là chị T. sai hoàn toàn, bởi bạo lực gia đình trong trường hợp nào cũng không thể chấp nhận.

Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX phiên sơ thẩm đã tuyên phạt Trịnh Xuân Tuyền 12 năm tù về tội danh giết người.

Ai đó đã nói rất đúng, chữ “nhẫn” luôn là một bài học ứng xử trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Và nó đặc biệt có ý nghĩa trong những tình huống làm nên hạnh phúc mái ấm gia đình.

Đàn ông mạnh mẽ, quả cảm, xốc vác nhưng cũng có lúc nóng nảy, bồng bột, thậm chí thô lỗ. Thói đời, giận quá mất khôn… Những lúc như vậy, người vợ cần bớt lời, nhẹ nhàng, bình tĩnh tìm cách gỡ để chèo lái con thuyền bất ngờ trước cơn “giông tố”.

Bá Mạnh