Lợi ích từ du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là một khái niệm mới mẻ so với các loại hình du lịch khác như mạo hiểm, nghỉ dưỡng, tâm linh...
Đây là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng địa phương trong chuỗi cung cấp dịch vụ, tổ chức khai thác, quản lý và được hưởng lợi từ hình thức này theo sự thỏa thuận giữa các thành viên với nhau.
Người dân bản địa là chủ thể của loại hình du lịch này, họ sẽ chào đón và đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, trải nghiệm của du khách từ chỗ ăn, nghỉ đến các phương tiện đi lại và tham quan trải nghiệm những nét độc đáo của địa phương đó.
Khách Tây thường chọn hình thức này vì họ muốn trải nghiệm những gì mà người dân nơi đó đã trải qua bao đời để tồn tại. Ví dụ như khách được tham gia sinh hoạt và lao động tại các làng nghề ở Hội An, từ trồng rau ở làng rau Trà Quế cho đến nặn đất làm gốm ở làng gốm Thanh Hà…
Sở dĩ hình thức du lịch này tồn tại mà không cần có sự can dự của Nhà nước vì các thành viên trong nhóm tự xây dựng quy định riêng, mỗi thành viên góp ý vào bản quy định đó. Nếu tất cả đồng ý với dự thảo thì cùng đăng ký tham gia và chấp hành nghiêm theo những thỏa thuận từ hình thức tổ chức đến cách ăn chia lợi ích.
Chính quyền chỉ đóng vai trò cổ súy, động viên người dân và đảm bảo an ninh trật tự cũng như quản lý về mặt hành chính để chấn chỉnh những biến tướng từ hình thức du lịch này, nếu điều đó xảy ra.
Tại các điểm du lịch cộng đồng, người dân được hưởng lợi theo thỏa thuận trong quy định nên sự gắn kết giữa các thành viên là điều dễ nhận thấy nhất. Họ sẽ cùng nhau bảo vệ “miếng cơm” của chính mình nếu như cảnh quan môi trường ở những nơi đó bị xâm phạm.
Lấy ví dụ như ở khu du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái thuộc xã Bình Thuận (Bình Sơn, Quảng Ngãi), nằm cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hàng trăm hecta cây cóc trắng trước đây bị chính người dân trong vùng chặt phá để làm củi hoặc để làm hồ nuôi tôm.
Thế nhưng, kể từ khi khách tham quan muốn trải nghiệm trong khu rừng này mỗi khi mùa cóc trắng thay lá và trổ bông thì tình trạng phá rừng chấm dứt hẳn. Gần 100 gia đình ở đây đã “sống khỏe” từ cánh rừng ven biển rất độc đáo này nhờ vào các dịch vụ đưa đón du khách. Họ bảo vệ rừng một cách tự nguyện, không cần lực lượng kiểm lâm giám sát mà rừng chẳng mất cây nào.
Hoặc như rừng dừa nước Sơn Mỹ. Trước đây, rừng dừa nước này được người dân khai thác kiểu “tận diệt” để lấy lá về lợp nhà nhưng kể từ khi du khách bắt đầu tham gia trải nghiệm trong rừng dừa nước giống như cách làm của Hội An, lập tức “tổ tự quản” được hình thành, vừa quản lý rừng vừa tham gia đưa đón, phục vụ du khách. Các thành viên trong tổ tự quản đã có thu nhập ổn định từ việc đưa đón khách tham quan.
Ở khu du lịch Cổng Trời, huyện Nam Giang (Quảng Nam) cũng vậy. Người Cơ Tu ở đây đã tận dụng tối đa thế mạnh về sự ưu đãi của thiên nhiên như rừng nguyên sinh, thác nước, đặc biệt là các hình thức sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình để phục vụ khách tham quan.
Không một cây rừng nào bị chặt vì nếu phá rừng thì thác nước sẽ trơ đá, khách chẳng đến tham quan nữa. Một khi lợi ích của họ đã gắn với những gì mà thiên nhiên ưu đãi, tự khắc họ sẽ bảo vệ nồi cơm của mình mà không cần Nhà nước phải ra tay.
Du lịch cộng đồng tuy mới mẻ nhưng đã phát triển nhanh chóng ở hầu hết các địa phương chính là nhờ vào sự hưởng lợi trực tiếp của người dân ở những nơi đó thông qua việc phục vụ du khách.