Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên
Qua gần 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã thể hiện sự gắn kết và đi sâu vào đời sống của lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của ĐVTN trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; tạo sự đồng thuận, quan tâm của toàn xã hội đối với thanh niên và công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ là chính sách rất quan trọng, hướng đến mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc, có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước. Để cụ thể hóa chiến lược, tỉnh xây dựng, ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và từng năm với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với thực tế các cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác tuyên truyền về chiến lược, các quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ năm 2022 - 2023, toàn tỉnh tổ chức 908 buổi với trên 30.900 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên trong độ tuổi thanh niên được tiếp cận với Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển thanh niên trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2030.
Toàn tỉnh hiện có 15 huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc, 222 đoàn cơ sở, 105 chi đoàn cơ sở, 2.236 chi đoàn, 1 hội sinh viên, 1 Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh với trên 53.300 hội viên. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho ĐVTN được phối hợp triển khai thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, lồng ghép tuyên truyền Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy, Hiến pháp năm 2013... Có 13.960 thanh niên là học sinh, sinh viên, trên 1.900 thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức, gần 2.900 thanh niên lực lượng vũ trang được tuyên truyền, tiếp cận kiến thức pháp luật; 72,8% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức về quốc phòng - an ninh; trên 50% thanh niên được tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật trực tuyến, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng. Các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh tổ chức 367 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 28.162 lượt người; tổ chức 4 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với gần 1.200 người dự thi; 100% huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với các hình thức phong phú như phiên tòa giả định, rung chuông vàng, ngoại khóa... Các cơ sở giáo dục duy trì hiệu quả 149 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại các trường học; 10/10 huyện, Thành phố duy trì Câu lạc bộ “Tuyên truyền pháp luật”, Đội thanh niên tình nguyện sơ, cấp cứu tai nạn giao thông.
Nhằm nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, các đơn vị, địa phương phối hợp với các cấp bộ Đoàn tổ chức tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi sự cho ĐVTN dân tộc thiểu số tại 8 huyện/1.500 đại biểu tham dự. Năm 2023, toàn tỉnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho 9.230 ĐVTN, giới thiệu việc làm cho 1.097 ĐVTN; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trị giá trên 42 triệu đồng tại xã Đoài Dương (Trùng Khánh); hỗ trợ mô hình “trồng cây thạch đen” tại xã Đức Thông (Thạch An) với quy mô 20 ha trị giá 300 triệu đồng. Đồng thời, duy trì 455 tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ 12.135 hộ ĐVTN với tổng dư nợ trên 794,7 tỷ đồng.
Chính quyền các cấp quan tâm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên, tạo điều kiện cho ĐVTN nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần để phát triển toàn diện. Hằng năm, tổ chức 184 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với sự tham gia của 62.000 lượt ĐVTN; 229 hoạt động thể dục, thể thao thu hút 31.281 lượt thanh niên tham gia; tổ chức 17 lớp năng khiếu với 10 bộ môn thu hút 295 thanh, thiếu nhi tham gia; duy trì các câu lạc bộ hát dân ca và các làn điệu dân tộc tại 10 huyện, Thành phố...
Giai đoạn 2021 - 2023, lực lượng ĐVTN tổ chức ra quân làm mới 24,9 km đường nông thôn, đường nội đồng; tổng vệ sinh, phát quang 85 km đường làng, ngõ xóm, tuyến đường tự quản; hỗ trợ xây dựng 167 chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ 72 hộ gia đình di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; khánh thành 14 công trình “Thắp sáng đường quê”, 2 cầu dân sinh; duy trì hoạt động của 223 tuyến đường thanh niên, phụ nữ tự quản “xanh - sạch - đẹp - an toàn”... Đoàn các cấp trồng mới trên 267.300 cây xanh; 100% cơ sở đoàn toàn tỉnh sôi nổi tổ chức các hoạt động ra quân 4 ngày Chủ nhật xanh năm 2023. Các cấp bộ Đoàn tổ chức thăm, tặng 4.500 suất quà cho gia đình chính sách, ĐVTN và học sinh hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 4 tỷ đồng. ĐVTN xung kích tham gia thực hiện các chương trình, dự án, cuộc vận động hướng về biên giới, biển đảo, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Trên 8.800 thanh niên sẵn sàng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, trên 11.100 thanh niên tham gia lực lượng dân quân tự vệ.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đề ra, tỉnh tăng cường lồng ghép kế hoạch thực hiện chiến lược với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở và kế hoạch công tác thường niên của các sở, ban, ngành; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện, nâng cao trách nhiệm, vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.