Gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc Gia Rai
Sự tác động của đời sống hiện đại khiến các nghề truyền thống của dân tộc Gia Rai đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Đau đáu trước tình trạng này, nhiều nghệ nhân ở xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) đang nỗ lực gìn giữ, duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình.
Đứng trước nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm, nhiều phụ nữ Gia Rai tại xã Ya Ly vẫn quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình. Tranh thủ lúc nông nhàn, các bà, các mẹ lại miệt mài bên khung dệt tạo nên những tấm vải thổ cẩm để may váy, áo, túi, chăn phục vụ nhu cầu trong gia đình và bán cho khách hàng.
Chúng tôi đến thăm nhà bà Y Tuyết (48 tuổi, ở làng Chứ), khi bà đang dệt thổ cẩm dưới sân nhà sàn. Từ đôi tay của bà, tấm thổ cẩm với những nét hoa văn độc đáo dần hiện ra. Bà đang dệt tấm chăn đắp để tặng con gái vừa sinh con đầu lòng. Vừa thoăn thoắt luồn sợi chỉ, bà Y Tuyết chia sẻ, ngay từ nhỏ, bà đã làm quen với khung dệt, được mẹ dạy cho các bước đơn giản từ cách se chỉ đến tạo hoa văn để dệt áo, váy, khố, chăn sử dụng trong gia đình. Theo thời gian, từng đường chỉ, từng nét hoa văn như ngấm vào máu, gắn bó với cuộc sống của bà cho đến nay.
Bà Y Tuyết miệt mài giữ gìn và trao truyền nghề dệt thổ cẩm của dân tộc. Ảnh: N.S |
“Mỗi tấm vải phải tốn rất nhiều thời gian mới hoàn thành, thậm chí có tấm hoa văn khó, độc đáo để may khố, váy dùng trong những dịp lễ quan trọng phải mất cả tháng mới hoàn thành. Nhưng giá bán chỉ từ 1 - 1,3 triệu đồng/tấm. Tốn nhiều công, thu nhập chẳng được là bao nhưng tôi vẫn duy trì nghề truyền thống vì đam mê. Nhiều năm qua, tôi đã truyền dạy cho 2 người con gái của mình với mong muốn các con lưu giữ lại nét văn hóa đặc trưng dân tộc Gia Rai”- bà Y Tuyết cho hay.
Theo bà Y Tuyết, để các con chịu học và giữ được nghề, bà luôn khuyên nhủ, chịu khó kể chuyện văn hóa xa xưa của dân tộc mình cho con nghe. Thấu hiểu được điều đó và xuất phát từ niềm đam mê, ý thức bảo tồn nghề truyền thống, 2 con gái của bà cũng say mê học và đều biết dệt thổ cẩm.
Yêu thích dệt thổ cẩm từ nhỏ, mỗi khi thấy bà, mẹ ngồi dệt vải, chị Y Lan (26 tuổi, ở làng Chứ) - con gái của bà Y Tuyết ngồi ngắm nhìn, học theo. Được sự bồi dưỡng, chỉ dạy của mẹ, Y Lan trở thành người nối nghiệp dệt thổ cẩm của bà Y Tuyết. Bây giờ, mỗi khi nông nhàn, có con gái bên cạnh ngồi dệt và nói chuyện cùng, bà Y Tuyết cũng thấy vui trong lòng.
Tương tự, nghề đan lát cũng được các nghệ nhân trong xã Ya Ly nỗ lực gìn giữ, duy trì và trao truyền cho con, cháu. Ông A Bring (56 tuổi, ở làng Chờ) có “máu” đan lát từ nhỏ, nên khi 15 tuổi, ông đã biết đan gùi, rổ, nia, để bán cho người dân trong làng. Theo ông A Bring, đan gùi đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhất. Mỗi chiếc gùi phải mất ít nhất 10 - 15 ngày mới đan xong; nia thì hết chừng 5 - 7 ngày; còn rổ, rá khoảng 5 ngày. Do phải làm việc nhà nên mỗi tháng ông chỉ nhận đan từ 3 - 5 cái gùi, rổ, nia.
Ông A Bring chia sẻ: “Đan gùi không dễ, nó có nhiều loại gùi. Gùi của phụ nữ, gùi dành cho đàn ông, gùi được làm riêng cho các cháu nhỏ. Đơn giản nhất là gùi thưa để đựng củi, măng, rau, bầu bí... Mất nhiều công sức và đòi hỏi tay nghề cao hơn là đan các loại gùi dày để đựng lúa, mì, bắp hoặc đồ đạc thông dụng trong nhà. Nếu không yêu không thích, không chịu khó chịu khổ, không làm được đâu”.
Để giữ lấy nghề đan lát, ông A Bring vẫn tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cho con, cháu ở trong nhà, kể cả những người yêu nghề và muốn học nghề ở làng.
Ông A Bring cặm cụi đan gùi truyền thống của người Gia Rai. Ảnh: NS |
Thừa hưởng gen từ cha và có tinh thần ham học hỏi, năm 12 tuổi, anh A Hút (28 tuổi, làng Chờ) - con trai của ông A Bring đã biết đan gùi. Những chiếc gùi anh đan không chỉ bền chắc mà còn được trang trí hoa văn truyền thống sinh động, đẹp mắt. “Tôi thấy mình thật may mắn khi được cha truyền dạy kỹ thuật đan gùi, đến nay, tôi đã thành thạo tất cả các khâu để làm ra chiếc gùi. Đan gùi và đan gùi đẹp là thể hiện sự cần cù, chăm chỉ của người đàn ông Gia Rai. Vì thế, ngoài duy trì đan gùi, tôi còn đan rổ, rá, nia để bán cho dân làng, kiếm thêm thu nhập và bảo tồn nghề truyền thống”- anh A Hút cho hay.
Ông Đinh Trọng Lịch - Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết, toàn xã có hơn 60 người biết đan lát, dệt thổ cẩm. Trong đó, hơn 20 người có thu nhập từ các nghề truyền thống. Trong năm 2023, xã đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sa Thầy mở 3 lớp truyền dạy nghề truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm) thu hút 15 nghệ nhân và 150 học viên tham gia.
“Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nghệ nhân trong xã truyền dạy nghề truyền thống của dân tộc Gia Rai; phối hợp với hội, đoàn thể tổ chức các cuộc thi, hội thi liên quan đến dệt thổ cẩm, đan lát. Đồng thời, khuyến khích bà con tham gia cuộc thi do các cấp, ngành tổ chức, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”- ông Lịch cho biết thêm.