Nghệ nhân Liêng Hót Ha Chong gìn giữ vốn quý của dân tộc
Năm nay nghệ nhân Liêng Hót Ha Chong đã 94 mùa rẫy, nhưng ông vẫn nổi bật trong dàn nhạc cụ dân tộc với tiếng khèn bầu dìu dặt hòa điệu cùng cồng chiêng trầm hùng ở các lễ hội của buôn làng.
Ông Liêng Hót Ha Chong sinh năm 1930 ở buôn làng Đa Cao, xã Đạ Tông, Đam Rông - khi ấy núi rừng Đầm Ròn còn thâm u rậm rạp, nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, bị bao vây bởi sốt rét, vắt và ruồi vàng. Năm 12 tuổi ông đã mất mẹ; 8 anh chị em chưa kịp lớn chỉ còn có cha để nương tựa. Tiếng khèn bầu của người cha thổi khi chim rừng về tổ là thứ âm thanh mà ông mong chờ mỗi buổi chiều tà, động viên ông vượt qua tuổi thơ khó khăn, cực nhọc.
Lớn lên một chút, cậu bé Ha Chong đã được cha dạy đánh cồng chiêng, dạy thổi khèn bầu và cách làm khèn bầu. Bầu phải chọn quả có hình dạng đẹp, phần đầu cuống thon dài, phần bầu phình đều tròn trịa. 6 ống lồ ô ngắn dài khác nhau, có đục lỗ bên thân được gắn vào quả bầu khô đã khoét lỗ và được trét kín lại bằng sáp ong. Khi thổi, hơi dài ngắn được thổi qua quả bầu, đôi bàn tay điều chỉnh các thang âm bằng cách liên tục dùng những ngón tay bịt trên những lỗ ống lồ ô tạo ra cung bậc thăng trầm. Thân quả bầu tựa như thân đàn khuếch đại âm thanh, đưa âm thanh vang khắp buôn gần, làng xa. Lúc trầm hùng, khi dìu dặt, da diết.
Ông học được thuần thục tất cả 6 bài bản cồng chiêng truyền thống cùng với tất cả 6 bài bản khèn bầu do cha truyền dạy mà ít ai học được. Tiếng khèn của Ha Chong trở nên quen thuộc; mỗi khi trời về chiều, dân làng cứ nghe tiếng khèn bầu ông tấu lên là mọi người ngừng tay làm việc, từ rừng, từ nương rẫy trở về nhà nấu cơm ăn.
Mãi đến năm 20 tuổi, Ha Chong mới được học chữ, nhờ có cán bộ cách mạng đến buôn làng, ở trong nhà ông dạy cho, thế giới bên ngoài rộng lớn như được mở ra trước mắt. Vừa biết chữ nghĩa, vừa biết đánh cồng chiêng, cùng tiếng khèn bầu dìu dặt của ông khiến nhiều gái làng muốn “bắt” làm chồng. Ông sớm lập gia đình và sinh được 8 người con (6 trai, 2 gái). Nhà đông con, cuộc sống vô cùng khó khăn, tiếng khèn được ông thổi lên trong những lúc nghỉ ngơi, sau giờ lao động vất vả, mệt nhọc, khích lệ động viên ông vượt qua khó khăn, nuôi dạy các con học hành, nên người.
Nếu cồng chiêng là tiếng nói tâm linh kết nối lòng người với các đấng siêu nhiên, chỉ được tấu lên trong các lễ cầu, tế, trước khi đánh cồng chiêng phải xin thần linh; thì khèn bầu là nhạc cụ có thể thổi trong bất cứ không gian, thời gian nào. 6 bài bản khèn bầu ông thuộc làu được thổi trong nhiều hoàn cảnh, tâm trạng. Có khi là tiếng chào mời hân hoan, rộn rã trong các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng; có khi nghỉ ngơi trên nương rẫy, bên suối; có khi ngồi thổi trước bậc hiên nhà khi chim về tổ; có khi là nhạc đệm cho lời hát kể, hát ru, hát dân ca thủ thỉ tâm tình chuyện đời xưa bên bếp lửa nhà sàn.
Tùy vào từng hoàn cảnh, tiếng khèn của Ha Chong có khi giục giã lòng người, có khi giúp mọi người thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc, có lúc thúc giục mọi người tiến lên phía trước trong hành trình đi rừng vất vả. Khi ông cất tiếng thổi, hơi ngắn hơi dài với 6 bài cơ bản đều gửi vào đó ý nhạc mang thông điệp như thúc giục, khuyến khích, động viên mọi người trong làng cố gắng vượt qua khó khăn, vượt qua gian nan, thử thách, vượt qua cả đói nghèo để vươn lên, đi đến đích, có đời sống ấm no.
Được bà con tôn quý, gần 40 năm qua, ông trở thành già làng của buôn làng Đa Cao. Chứng kiến nhiều đổi thay trên quê hương mình, những con đường nhựa được mở rộng trải dài thênh thang, các phong tục, tập quán lạc hậu bị đẩy lùi, hồ chứa, mương dẫn nước chảy khắp nương rẫy núi đồi, điện chiếu sáng khắp buôn; bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho của ông được gìn giữ, bảo tồn... đời sống như bước sang trang mới.
Từ hơn 10 năm nay, già làng Ha Chong đã truyền dạy được 6 lớp cồng chiêng cho gần 200 thanh thiếu niên ở các buôn làng trong 3 xã, nhưng riêng khèn bầu thì chưa có người học để ông truyền dạy. Giờ tai đã không còn thính, mắt đã không còn tinh, nhưng trong các lễ hội của cộng đồng, nghệ nhân Liêng Hót Ha Chong là người hiếm hoi biết thổi khèn bầu. Tiếng khèn của ông hòa điệu cùng cồng chiêng làm cho giai âm của núi rừng thêm đặc sắc, huyền bí.
Giọng trầm buồn, già Ha Chong bày tỏ, ông rất muốn truyền dạy cho nhiều người cùng học, cùng biết sử dụng khèn bầu, nhưng khèn bầu khó học, khó truyền dạy hơn cồng chiêng, nên ít người muốn học. Vì thổi bằng hơi, đòi hỏi cùng với kỹ thuật lấy hơi, nhả hơi còn phải kết hợp với đôi tay điều khiển hơi khi bịt các lỗ khác nhau trên 6 ống lồ ô một cách nhuần nhuyễn, điêu luyện. Tuổi ngày càng cao, ông càng mong muốn tiếng khèn và nhạc cụ khèn bầu độc đáo của dân tộc mình không bị mai một, thất truyền.